Việc điều hành lãi suất cần hài hòa lợi ích của người gửi tiền - người vay tiền và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Lê Tiên |
Lãi suất huy động chạm đáy
Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2,0%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Theo tính toán của cơ quan này, đến tháng 12/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Trong khi đó, thống kê của các tổ chức nghiên cứu cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ đã chạm đáy từ trước đến nay, lãi suất huy động cũng giảm xuống thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế, chủ trương giảm chi phí vốn cho nền kinh tế được hiểu là mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp hoặc tiếp tục giảm trong thời gian tới. Do đó, nhiều ý kiến quan ngại về khả năng dòng vốn giá rẻ chảy vào các kênh tiềm ẩn rủi ro.
Theo ông Đặng Hoàng Hải Anh - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để ứng phó với tác động bất lợi do Covid-19 gây ra, việc tạm quên một số rủi ro để bơm tiền vào nền kinh tế là cần thiết, nhưng cũng phải rà soát lại sức hấp thụ nguồn vốn và tính toán cách hút lại số tiền đã bơm thừa ra nền kinh tế để tránh hệ lụy đáng ngại. Việc thừa tiền có thể khiến mặt bằng lãi suất giảm mạnh, nhưng giảm sâu chưa hẳn là tốt.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, không thể tránh khỏi vấn đề về tâm lý nóng lòng muốn khôi phục sản xuất, tăng chi tiêu để bù đắp phần đã phải giảm bớt trong năm 2020. Điều đó làm tăng tổng cầu trong năm 2021. Đáng chú ý, tổng cầu tăng lại được hỗ trợ bởi dòng vốn giá rẻ đang chực chờ ở những kênh truyền dẫn chính sách có thể tạo ra rủi ro bất ổn vĩ mô nếu không kiểm soát chặt các dòng vốn.
Cần hài hòa lợi ích các bên
Phân tích rõ hơn về nội dung này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, mặt bằng lãi suất trên thế giới và tại Việt Nam đã giảm rất mạnh trong thời gian qua, nên đâu đó hẳn đã có dòng tiền đổ tương đối nhanh vào những lĩnh vực phi sản xuất. Điều này đặt ra vấn đề cân nhắc điều hành lãi suất vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.
“Khi lãi suất có xu hướng giảm mạnh, chúng tôi đã nhìn thấy có dấu hiệu dịch chuyển dòng vốn vào các kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán. Lãi suất thấp quá chưa hẳn đã tốt mà phải hài hòa lợi ích của các bên, đó là lợi ích của người gửi tiền - người vay tiền và cả ổn định vĩ mô. Nếu không kiểm soát chặt, dòng vốn giá rẻ có thể chảy vào các lĩnh vực rủi ro và gây hệ lụy lâu dài“, ông Lực nói.
Trước các ý kiến này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, những năm gần đây, cơ quan này điều hành chính sách tiền tệ với phương châm kiên định về mục tiêu nhưng linh hoạt trong giải pháp, theo hướng không chủ quan với lạm phát song vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế.
Năm 2020, mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối, thanh khoản hệ thống dồi dào. Năm nay, NHNN sẽ tiếp tục quan sát dòng chu chuyển vốn trong nền kinh tế và cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất theo chủ trương ổn định vĩ mô đặt lên hàng đầu.
Về lo ngại dòng vốn giá rẻ có thể đổ vào các kênh đầu cơ, ông Hà chia sẻ, không chỉ NHNN mà các bộ, ngành có liên quan đều đã có 10 năm kinh nghiệm điều hành, phối hợp chính sách để đạt thành quả tích cực như đã thấy. Về mặt kiểm soát, ngành ngân hàng đã có nhiều quy định để giám sát các tỷ lệ an toàn cho hoạt động tín dụng, luôn đặt và thực hiện danh mục kiểm soát cao với các khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản và cảnh báo kịp thời.
“NHNN nhất quán quan điểm phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi có đầy đủ công cụ, biện pháp để kiểm soát dòng tín dụng trong nền kinh tế“, ông Hà khẳng định.