Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ông đánh giá thế nào về thị trường bảo hiểm công trình xây dựng khi Nghị định số 119/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực?
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2016. Nghị định quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc, điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc, số tiền bảo hiểm tối thiểu, nguyên tắc xác định mức phí bảo hiểm và quản lý nhà nước về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo quy định tại Nghị định, trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình như: Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên. Còn nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường. Với phạm vi điều chỉnh rộng như vậy, ngay từ đầu năm 2016 đã ghi nhận các gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng rất sôi động, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.
Tham gia thị trường thì phải cạnh tranh. Đó là điều tất yếu. Bây giờ, cạnh tranh rất gay gắt giữa các DN bảo hiểm trong nước với nhau, giữa DN bảo hiểm trong nước với DN bảo hiểm nước ngoài. Chính vì cạnh tranh mà các DN bảo hiểm cũng chạy đua để giá dự thầu thấp nhất, dễ được xét trúng thầu nhất. Hiện nay, nhiều gói thầu bảo hiểm lớn đều do các DN bảo hiểm nước ngoài trúng vì các công ty này đều chuyển hết cho các công ty mẹ rất giàu tiềm lực và kinh nghiệm. Với thực tế này cho thấy, sắp tới, thị trường bảo hiểm xây dựng công trình sẽ ngày càng khốc liệt khi các DN sẽ bằng mọi cách cạnh tranh để giành giật thị phần, chiếm lĩnh khách hàng. Và hạ giá là một thể hiện rõ nhất. Các gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng luôn gay cấn, hấp dẫn là vì vậy. Tuy nhiên, hạ giá quá thấp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho chính đối tượng mua bảo hiểm và cả DN cung cấp bảo hiểm.
Theo ông, việc hạ phí bảo hiểm có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của chính DN bảo hiểm và trường hợp xảy ra rủi ro có đủ bù đắp cho các khách hàng? Rủi ro tiềm ẩn của việc hạ giá quá thấp này về lâu dài như thế nào?
Đấu thầu nếu chỉ dựa vào tiêu chí giá rẻ thì rất nguy hiểm. Vì công tác đấu thầu tức là xem xét, đánh giá nhà cung cấp dịch vụ trên mọi phương diện. Còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho một công trình xây dựng. Theo tôi, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã thể hiện rõ tinh thần lựa chọn nhà thầu theo những tiêu chí cụ thể về năng lực tài chính, đội ngũ nhân lực, khả năng huy động và xử lý rủi ro của mỗi nhà thầu. Do đó, đối với các gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng, các chủ đầu tư không nên chỉ vì giá rẻ mà lựa chọn những DN bảo hiểm cố tình hạ giá để trúng thầu. Trong khi đó, nếu bản thân DN bảo hiểm này không đủ năng lực thì ảnh hưởng rất lớn đến đối tượng được bảo hiểm. Nếu có tổn thất, xảy ra sự cố của công trình, DN bảo hiểm yếu kém sẽ dây dưa việc bồi thường, tiến hành giám định chậm chạp. Bản thân các DN bảo hiểm muốn giành thị trường, khẳng định thương hiệu thì khi xảy ra sự cố, cần thể hiện bản lĩnh và sự chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng mua bảo hiểm.
Ở Việt Nam, các chủ đầu tư/bên mời thầu thận trọng sẽ xem xét kỹ hợp đồng tái bảo hiểm như thế nào, chi phí ra sao, cần xác nhận của nhà tái bảo hiểm rồi mới tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng.
Tiết kiệm được cho nguồn vốn ngân sách là tốt. Nhưng tôi tin rằng, Nhà nước không chỉ trông chờ vào tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng để rồi đánh đổi với những rủi ro khác khi liều lĩnh chấp nhận những doanh nghiệp chào quá rẻ. Tỷ lệ tiết kiệm của một gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng không thể so sánh được với giá trị của toàn bộ công trình. Quan trọng là xử lý rủi ro ra sao khi công trình xảy ra sự cố. Nhìn vào số tiền tiết kiệm tưởng là nhiều nhưng nếu khi xảy ra sự cố mà nhà thầu cung cấp bảo hiểm lại chậm trễ xử lý, dây dưa đền bù thì hậu quả khôn lường.