Cảng biển miền Trung mở rộng giao thương với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, quy mô. Cánh cửa giao thương với thế giới của các địa phương có lợi thế mặt tiền biển đang thênh thang hơn bao giờ hết với Quy hoạch chiến lược phát triển chi tiết hệ thống cảng biển và mặt nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Cảng Tiên Sa - một trong cảng biển của Đà Nẵng, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây luôn đạt và vượt công suất khai thác qua các năm. Ảnh: Minh Hạnh
Cảng Tiên Sa - một trong cảng biển của Đà Nẵng, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây luôn đạt và vượt công suất khai thác qua các năm. Ảnh: Minh Hạnh

Sản lượng hàng qua cảng liên tục tăng

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều địa phương sở hữu thế mạnh vượt trội về cảng biển và hạ tầng cảng biển. Lợi thế này đã giúp nguồn thu ngân sách địa phương từ xuất nhập khẩu không ngừng gia tăng qua các năm. Không chỉ đạt các chỉ tiêu đặt ra về sản lượng hàng hóa thông qua, một số cảng đầu mối trung chuyển như Tiên Sa (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi)... những năm gần đây luôn vượt công suất khai thác.

Tại Đà Nẵng, trong năm 2024, lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 13,88 triệu tấn, chủ yếu qua cảng Tiên Sa, nâng tốc độ tăng trưởng bình quân về hàng hóa cả giai đoạn 2020 - 2024 đạt 5,9%, trong khi tăng trưởng về hành khách đạt 14,88%. Hiện tại, khối lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng đã vượt các kịch bản trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, lượng hàng container qua cảng vượt mức dự báo khoảng 39%, riêng bến cảng Tiên Sa đã hoạt động vượt công suất từ 11,68% đến 31,16%.

Tại Quảng Nam, năm 2024, dù chưa có cảng cạn và các trung tâm logistics lớn, khu vực tập kết hàng hóa tập trung chủ yếu là các bãi hàng tại các bến cảng đã được đầu tư nâng cấp (bến cảng Tam Hiệp) và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh (Khu công nghiệp Tam Thanh, Khu công nghiệp Tam Hiệp...) nhưng sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển Quảng Nam đạt 4,07 triệu tấn, riêng container đạt 0,94 triệu tấn đưa tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt 19,9%. Số lượt tàu biển thông qua cảng biển Quảng Nam tăng 5,7%/năm.

Sát với Quảng Nam là Quảng Ngãi với cảng Dung Quất, Gemadept, Hào Hưng và các cảng chuyên dùng của Khu liên hợp luyện cán thép Hòa Phát - Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Riêng trong năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Quảng Ngãi ước đạt 45,75 triệu tấn.

Trong hệ thống cảng biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cảng Quy Nhơn (Bình Định) được đánh giá là có mức tăng trưởng cao và ổn định với sản lượng hàng hóa thông qua ước đạt 11,6 triệu tấn năm 2024, vượt kế hoạch đề ra (11,5 triệu tấn). Ông Lê Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, nhờ kịp thời triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng suất xếp dỡ, mở rộng tuyến dịch vụ đến cải tiến hệ thống hạ tầng nên cảng Quy Nhơn vẫn giữ đà tăng trưởng tốt.

313.000 tỷ đồng nâng đời hệ thống cảng và mặt nước

Giữa tháng 3/2025, Bộ Xây dựng ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển một số địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Quyết định đã chi tiết số lượng cảng biển và khái toán vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển và vùng nước cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, kêu gọi đầu tư đẩy mạnh khai thác kinh tế biển và mở toang cánh cửa đưa đất nước hội nhập sâu rộng từ phía biển.

Theo quy hoạch, cảng biển Đà Nẵng gồm các khu bến Tiên Sa, Liên Chiểu, Thọ Quang, Mỹ Khê, bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Mục tiêu đến năm 2030, các cảng ở Đà Nẵng có thể đáp ứng 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua, đáp ứng năng lực tiếp nhận từ 532.300 - 597.000 lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch phê duyệt 12 - 15 bến cảng, gồm 20 - 23 cầu cảng với tổng chiều dài từ 4.220,3 - 5.745,3 m (chưa bao gồm các bến cảng khác)… Giai đoạn đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành đầu tư khu bến Liên Chiểu, quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa. Sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu. Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 167 ha, chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics và tổng nhu cầu vốn là 31.510 tỷ đồng, gồm hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 8.240 tỷ đồng và bến cảng khoảng 23.270 tỷ đồng.

Quảng Nam được quy hoạch chi tiết với 6 khu bến, gồm 10 cầu cảng, tổng chiều dài 2.283 m, bao gồm các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Kỳ Hà, Tam Giang và các khu neo đậu, chuyển tải, tránh, trú bão. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Quảng Nam đến năm 2030 khoảng 5.236 tỷ đồng.

Với Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển gồm khu bến Dung Quất, bến cảng Sa Kỳ, bến cảng Mỹ Á, bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) và các bến cảng tiềm năng khác theo quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất; các khu neo đậu, khu chuyển tải, tránh bão; mục tiêu đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 47,2 - 48,2 triệu tấn (chưa bao gồm hàng của các dự án mở rộng/xây mới khu liên hợp sản xuất gang thép). Về kết cấu hạ tầng, có tổng số 11 bến cảng gồm 41 cầu cảng với tổng chiều dài 8.251,5 m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển của Quảng Ngãi đến năm 2030 là khoảng 10.830 tỷ đồng. Đối với Bình Định, Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển hiện chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét cập nhật và phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển đối với bến cảng Phù Mỹ (gồm các bến cảng tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn). Đề xuất này, theo lãnh đạo Bình Định, là dựa theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2025, trong đó có bến cảng Phù Mỹ.

“Đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được phát triển với năng lực thông qua từ 1.140 - 1.423 triệu tấn hàng hóa, từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới”, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết. Để đạt mục tiêu này, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang, để thu hút vốn đầu tư, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển…

Tin cùng chuyên mục