Cạnh tranh bảo hiểm phi nhân thọ: “Đại gia” chào thua vì 1 tiêu chí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Báo Đấu thầu nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của Bảo hiểm PVI về tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra tiêu chí không trọng yếu nhưng lại loại ngay nhà thầu này. Đây là trường hợp điển hình về tình trạng cạnh tranh không bình đẳng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Bảo hiểm Bưu điện là nhà thầu duy nhất tham dự và được lựa chọn Gói thầu Chi phí bảo hiểm hàng hóa, trang thiết bị và NS của BVDC2 đi theo đường không và đường biển. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bảo hiểm Bưu điện là nhà thầu duy nhất tham dự và được lựa chọn Gói thầu Chi phí bảo hiểm hàng hóa, trang thiết bị và NS của BVDC2 đi theo đường không và đường biển. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tháng 6 vừa qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 2 Chi phí bảo hiểm hàng hóa, trang thiết bị và nhân sự của BVDC2 đi theo đường không và đường biển. Giá gói thầu 269.543.181 đồng. Kết quả lựa chọn được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày 21/6/2023, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện là nhà thầu duy nhất tham dự và được lựa chọn với giá trúng thầu 269.543.181 đồng.

Dù đây là gói thầu nhỏ, nhưng theo Công ty Bảo hiểm PVI Hà Nội, PVI không thể đáp ứng được 1 tiêu chí đưa ra trong HSMT. Cụ thể, đó là yêu cầu “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc từng năm trong vòng 3 năm (2020, 2021, 2022) ≥ 50%, trường hợp liên danh thì từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này”. Đây là tiêu chí đánh giá đạt/ không đạt đối với HSDT.

Gói thầu BH Bảo hiểm Gói thầu XL1 thuộc Dự án thành phần 2 Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình đang phát hành HSMT cũng đưa ra tiêu chí tương tự. Cụ thể, HSMT yêu cầu “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc trong năm gần nhất > 50%, nhà thầu độc lập phải thỏa mãn yêu cầu này, trường hợp liên danh thì từng thành viên liên danh phải thỏa mãn yêu cầu này”.

Theo PVI, tiêu chí này đã loại bỏ trực tiếp PVI - doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ, rating A - doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất thị trường Việt Nam ra khỏi các gói thầu.

Trong công văn làm rõ gửi đến Bên mời thầu, PVI kiến nghị sửa đổi tiêu chí này. Phương án 1: “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc trong năm gần nhất ≥ 10%”, nhà thầu độc lập phải thỏa mãn yêu cầu này, trường hợp liên danh thì từng thành viên liên danh phải thỏa mãn theo tỷ lệ % thành viên đó tham gia trong liên danh. Phương án 2, nếu bắt buộc giữ lại mức “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc trong năm gần nhất ≥ 50%” thì điều chỉnh theo hướng trường hợp liên danh thì từng thành viên phải thỏa mãn theo tỷ lệ % thành viên đó tham gia trong liên danh, thay vì yêu cầu thì từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này như tại HSMT.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bên mời thầu không điều chỉnh vì cho rằng do đặc điểm, tính chất công trình xây dựng đang yêu cầu bảo hiểm tương đối phức tạp, giá trị cao, nhằm lựa chọn được nhà thầu bảo hiểm có đủ năng lực tài chính vững mạnh để bảo đảm khả năng thanh toán trong trường hợp xảy ra tổn thất. Bên mời thầu đã rà soát các quy định hiện hành và xét thấy tiêu chuẩn đánh giá là phù hợp với quy mô gói thầu.

Theo tìm hiểu, tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc của PVI các năm 2020, 2021, 2022 đều dưới 50%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây không phải là tiêu chí đánh giá sức khoẻ tài chính của một doanh nghiệp bảo hiểm, cũng không phải là tiêu chí chứng minh khả năng thanh toán trong trường hợp xảy ra tổn thất. Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định: “Mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu”. Tái bảo hiểm là công cụ quản trị, phân tán rủi ro hữu hiệu của những nhà bảo hiểm lớn, đây cũng là công cụ giúp cho khách hàng yên tâm hơn vì được bảo đảm khả năng thanh toán, bồi thường chính xác, đầy đủ, kịp thời nếu gặp rủi ro. Luật pháp đã có quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ quy định về tái bảo hiểm để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm khả năng thanh toán cho người được bảo hiểm. Nhà thầu có doanh thu càng lớn, có năng lực kinh nghiệm tốt về mảng bảo hiểm xây dựng, lắp đặt thì tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc thường nhỏ hơn.

Được biết, năm 2022, PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về vốn điều lệ và nhiều chỉ tiêu tài chính khác. Tuy nhiên, không chỉ ở 2 gói thầu trên, PVI cũng chào thua ở nhiều gói thầu quy mô nhỏ, không quá phức tạp, chỉ vì tiêu chí về “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc”.

Tin cùng chuyên mục