Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (giữa) và ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. (Ảnh: AFP) |
Theo Washington Post, trong phiên điều trần hôm 12/1 trước Ủy ban quân lực Thượng viện, tướng nghỉ hưu James Mattis, người được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền sắp tới của ông Trump, nói rằng Mỹ phải “tôn trọng thỏa thuận kiểm soát vũ khí” với Iran. Quan điểm này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó của Tổng thống đắc cử Trump rằng sẽ dỡ bỏ thỏa thuận.
Tướng Mattis cũng cho thấy một quan điểm cứng rắn với Nga hơn so với Tổng thống đắc cử Trump khi cho rằng Nga là “một trong những mối đe dọa hàng đầu với an ninh và lợi ích của Mỹ”. “Tôi về cơ bản ủng hộ hợp tác nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thực tế rằng ngày càng ít lĩnh vực mà Mỹ có thể hợp tác với Nga. Tôi sẽ cân nhắc đến các mối đe dọa chủ yếu, bắt đầu với Nga”, ông Mattis nói.
Ngoài ra, ông Mattis cũng cáo buộc Nga đang tìm cách làm suy yếu NATO. Ở khía cạnh này, ông Mattis một lần nữa cho thấy quan điểm trái chiều với Tổng thống đắc cử Trump - người luôn hoài nghi về vai trò của NATO với vấn đề an ninh quốc phòng của Mỹ.
Tướng Mattis thậm chí dọa sẽ không làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nếu nhóm chuyển giao quyền lực tìm cách bổ nhiệm quan chức quân đội mà không hỏi ý ông.
Không chỉ ông Mattis, tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Mike Pompeo, người được đề cử làm Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), cũng thể hiện những quan điểm trái ngược với Tổng thống đắc cử Trump khi phản đối biện pháp tra tấn với nghi phạm khủng bố. “Tôi sẽ tuyệt đối không sử dụng các phương thức thẩm vấn tàn bạo đối với nghi can khủng bố một cách trái luật”, ông Pompeo nói. Trước đó, ông Trump nói rằng sẽ khôi phục biện pháp thẩm vấn này.
Trong buổi chất vấn hôm 10/1, tướng thủy quân lục chiến về hưu John Kelly, người được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Nội an trong chính quyền sắp tới, cũng phản đối hình thức tra tấn ngạt nước mà ông Trump có ý định áp dụng trở lại. Ông Kelly cũng không đồng tình với tuyên bố của ông Trump buộc Mexico phải trả tiền cho việc xây tường ngăn ở biên giới 2 nước.
Với ông Rex Tillerson, cựu giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil, người được chỉ định làm Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới, cũng có không ít quan điểm đối đầu với ông Trump.
Nếu như trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn kịch liệt phản đối các hiệp định thương mại, đặc biệt là thỏa thuận đa phương, thì ông Tillerson lại thể hiện quan điểm ủng hộ các thỏa thuận như vậy. "Tôi không phản đối" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hillary Clinton từng gọi TPP là "tiêu chuẩn vàng" của các thỏa thuận thương mại", ông Tillerson phát biểu tại phiên điều trần. Ông cũng thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Nga trong bối cảnh ông Trump ủng hộ củng cố quan hệ. Ông Tillerson ủng hộ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong khi ông Trump nhiều lần cáo buộc thỏa thuận này là “một trò lừa bịp” và rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này sau khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Trump dường như bắt đầu “cởi mở” hơn với hiệp định này.
Elaine Kamarck, Giám đốc trung tâm nghiên cứu quản lý công hiệu quả thuộc Viện Brookings, nhận định việc các ứng viên thể hiện sự bất đồng với tổng thống đắc cử tại các phiên điều trần là “điều hiếm thấy”. “Điều quan trọng trước tiên mà một tổng thống và đội ngũ chuyển giao cần làm đó là đảm bảo tổng thống và nội các của mình có chung lập trường”, Kamarck bình luận.