Nhiều thông tin đấu thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có sai sót, hoặc không bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ảnh: Lê Tiên |
Hàng ngày, nhân viên của Báo Đấu thầu vẫn thường xuyên trao đổi và đề nghị các chủ đầu tư, bên mời thầu điều chỉnh, sửa đổi những thông tin đấu thầu không hợp lệ; sửa đổi và gia hạn thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT); hủy thông báo mời thầu và tổ chức đấu thầu lại do thông tin đấu thầu đăng tải nhầm lĩnh vực và không bảo đảm tính công khai, minh bạch…
Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về việc đăng tải thông tin đấu thầu không hợp lệ (nêu xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa trong HSMT), cán bộ đấu thầu của một số bên mời thầu cho biết, do không đủ trình độ chuyên môn về đấu thầu nên từ việc lập HSMT, tổ chức đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu… đều thuê đơn vị tư vấn làm thay. Chủ đầu tư cũng không có đủ năng lực để phát hiện các sai sót trong công tác tổ chức đấu thầu. Sau khi được nhân viên của Báo Đấu thầu chỉ ra các sai sót trong việc công khai thông tin đấu thầu, nhiều chủ đầu tư đã ban hành quyết định hủy thầu và thông báo mời thầu lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Minh Khoa, cán bộ đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại Nam Thống cho rằng, ở không ít gói thầu, thông tin mời thầu được các chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thiếu minh bạch, khi thì cài thêm điều kiện riêng để làm khó nhà thầu, khi thì thiếu thông tin trọng yếu, khiến nhà thầu phải rất vất vả trong quá trình làm rõ thông tin để xây dựng HSDT.
Thực tế kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu ở địa phương cho thấy, do trình độ chuyên môn của các cán bộ làm công tác đấu thầu không đồng đều, nhất là cán bộ đấu thầu cấp xã rất hạn chế nên việc công khai thông tin đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thường xuyên bị chậm trễ so với quy định. Chưa kể đến việc nhiều chủ đầu tư bị đơn vị tư vấn đấu thầu tư vấn sai, dẫn đến làm sai.
Một nhà thầu ở tỉnh Ninh Bình cho biết, ở một số gói thầu do UBND cấp xã làm chủ đầu tư vẫn còn tình trạng “úp mở” khi công khai thông tin đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhiều gói thầu nằm trong hạn mức đấu thầu qua mạng, nhưng chủ đầu tư cấp xã lấy lý do không đủ cơ sở vật chất cũng như nhân sự có trình độ chuyên môn nên vẫn tổ chức bán HSMT trực tiếp. Tuy nhiên, sau khi đăng thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì nhiều lần điều chỉnh thông tin đóng/mở thầu, rồi hủy thầu… khiến nhà thầu rơi vào ma trận thông tin. Có trường hợp thông báo mời thầu được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng chủ đầu tư lại né tránh việc bán HSMT, đến khi nhà thầu “xòe” số Báo Đấu thầu đăng tải thông tin mời thầu này thì chủ đầu tư mới chịu bán HSMT.
Theo một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, việc đấu thầu qua mạng ngày càng được đẩy mạnh, chú trọng nên công tác đấu thầu hiện nay đã minh bạch hơn trước nhiều. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu ở địa phương cho thấy, do trình độ chuyên môn của các cán bộ làm công tác đấu thầu không đồng đều, nhất là cán bộ đấu thầu cấp xã rất hạn chế nên việc công khai thông tin đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thường xuyên bị chậm trễ so với quy định. Chưa kể đến việc nhiều chủ đầu tư bị đơn vị tư vấn đấu thầu tư vấn sai, dẫn đến làm sai.
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, hiện nay, vai trò giám sát công tác đấu thầu ở địa phương từ bước công khai thông tin đấu thầu gần như “bỏ trống”, không được quan tâm, chú trọng. Việc giám sát, ngăn ngừa các sai sót trong công khai thông tin đấu thầu nếu được thực hiện sớm sẽ “nắn chỉnh” được nề nếp trong hoạt động đấu thầu. Chính vì thế, với chức năng là nơi tập trung công khai thông tin đấu thầu, Báo Đấu thầu phải phát huy vai trò thẩm định, giám sát và phản biện việc công khai thông tin đấu thầu, tạo điều kiện để cộng đồng xã hội tham gia phản biện, theo dõi hoạt động đấu thầu trên cả nước; chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm hơn khi công khai thông tin đấu thầu...