“Cây đũa thần” trong TPP

(BĐT) - Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó lưu ý tới cơ chế phòng ngừa rủi ro là “cây đũa thần” đối với doanh nghiệp (DN) khi Hiệp định TPP sắp được phê chuẩn.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cần cơ chế phòng ngừa rủi ro

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), đặc điểm của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là sự biến động kinh tế của một nước, tác động rất nhanh, rất mạnh đến nước khác. Vì vậy, các nhà quản lý DN phải có khả năng phản ứng chính xác, nhanh nhạy, linh hoạt và phải có cơ chế phòng ngừa rủi ro trước sự biến động của thị trường.

Ông Tuyển chia sẻ: “DN cần hiểu rằng kinh doanh là một nghề phải chấp nhận mạo hiểm. Mạo hiểm khác với làm liều. Chấp nhận mạo hiểm trên cơ sở thu thập và xử lý đầy đủ thông tin, khả năng tư duy để có quyết định chính xác. Nhưng dù có thu thập và xử lý thông tin tốt đến đâu và dù khả năng tư duy có mạnh đến đâu vẫn không thể dự báo hết mọi sự biến động do sự phát triển của thế giới. Vì vậy, DN cần có cơ chế phòng ngừa rủi ro với năng lực cạnh tranh tốt”. 

Đề cập đến rủi ro DN có thể “vướng” trong Hiệp định TPP, nhiều ý kiến chỉ ra, DN Việt Nam phải chia sẻ thị phần thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm Chính phủ… theo cam kết khi tham gia TPP. Như vậy, nếu DN không có năng lực cạnh tranh thì nguy cơ DN bị phá sản luôn “rình rập”.

Tài liệu liên quan đến vấn đề này của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra, các DN trong nước, dù có số lượng khá lớn, nhưng vốn nhỏ, công nghệ trình độ thấp hơn. Nhìn riêng vào ngành dệt may và da giày, mặc dù được giới kinh tế đánh giá sẽ được hưởng lợi hơn so với DN lĩnh vực kinh tế khác, tuy nhiên để hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, mặt hàng này sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” với yêu cầu nội địa hóa cao.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Thách thức đối với DN trong lĩnh vực mua sắm Chính phủ của TPP cũng được nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Bàn về thách thức đối với các nhà thầu Việt Nam khi TPP được phê chuẩn, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT từng cho rằng, sức ép lớn nhất đối với nhiều nhà thầu Việt vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tăng cơ hội thắng thầu ở thị trường trong nước hay quốc tế.

Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh là cách hiệu quả nhất để nhà thầu Việt ứng phó với những rủi ro có thể gặp phải khi TPP chính thức có hiệu lực.

Trước lo ngại đó, chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với rủi ro DN có thể gặp phải khi tham gia ký kết hợp đồng với các đối tác, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trong hợp đồng, DN cố gắng ghi vào tất cả những rủi ro có thể xảy ra, trong đó có những rủi ro có thể dự báo và không dự báo được. Đồng thời, DN phải tạo lập được mối liên kết giữa các DN  với nhau.