Chặn độc quyền, thông thầu trong mua sắm hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng độc quyền mua bán hàng hóa khi đấu thầu hiện rất phổ biến với nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt dẫn tới việc Nhà nước phải mua hàng hóa với giá cao. Các hành vi từ chối cấp hàng, từ chối cung cấp tài liệu của hãng sản xuất đối với nhà thầu mà không có lý do chính đáng khiến nhiều nhà thầu xếp hạng thứ nhất, thứ hai bị loại oan uổng.
Tại một số gói thầu mua sắm máy photocopy, đại diện nhà sản xuất, nhà phân phối độc quyền có hành vi gây khó khăn cho nhà thầu xếp hạng thứ nhất. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Tại một số gói thầu mua sắm máy photocopy, đại diện nhà sản xuất, nhà phân phối độc quyền có hành vi gây khó khăn cho nhà thầu xếp hạng thứ nhất. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Thời gian qua, phóng viên Báo Đấu thầu đã tiếp nhận phản ánh của nhiều nhà thầu liên quan đến việc bị phân biệt đối xử, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa nhà sản xuất - đại lý ủy quyền/nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam và các nhà thầu.

Mới nhất, tại Gói thầu số 01 Cung cấp đồng bộ 2 máy xúc thủy lực gầu ngược, bánh xích, dung tích gầu ≥ 12 m3 và 14 xe ô tô tải tự đổ, khung cứng, trọng tải 90 ÷ 100 tấn (giá trị hơn 361 tỷ đồng) do Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, Gói thầu được Chủ đầu tư trao cho nhà thầu xếp hạng thứ hai với lý do thương thảo hợp đồng không thành công với nhà thầu xếp hạng thứ nhất. Nguyên nhân là Liên danh Công ty CP Tập đoàn 911 - Máy Sao Việt (nhà thầu xếp hạng thứ nhất) bị Công ty TNHH Thiết bị nặng Marubeni từ chối cấp giấy ủy quyền bán hàng để thực hiện Gói thầu số 01 vì đã cấp giấy ủy quyền bán hàng cho Liên danh Công ty CP Vân Đồn Đ&T - Công ty CP Xây dựng Nguyên Tâm 38 (nhà thầu xếp hạng thứ hai).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại 2 gói thầu do Trường Đại học Cần Thơ làm Chủ đầu tư. Cụ thể, Gói thầu 2-2 Mua sắm thiết bị cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu (giá dự toán 321,383 tỷ đồng), Gói thầu 2-3 Mua sắm thiết bị cho phòng thí nghiệm công nghệ cao (giá dự toán 121,21 tỷ đồng) đều có chung kịch bản nhà thầu xếp hạng thứ nhất bị loại vì nhà phân phối của hãng sản xuất tại Việt Nam từ chối bán hàng và cung cấp thư ủy quyền của nhà sản xuất mà không có lý do chính đáng. Liên danh Công ty CP Armephaco - Công ty CP Vật tư và Thiết bị khoa học Acetech dù có giá cạnh tranh nhất, đáp ứng năng lực, kinh nghiệm nhưng phải chịu thua trước đối thủ có giá cao hơn.

Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Thương mại Song Quỳnh tham dự Gói thầu Cung cấp vật tư, thiết bị điện phục vụ sửa chữa lớn năm 2018 Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 do Công ty Thủy điện Sông Tranh mời thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Bên mời thầu yêu cầu Nhà thầu làm rõ giấy ủy quyền bán hàng. Tuy nhiên, đại diện nhà sản xuất, Công ty TNHH Azbil Việt Nam đã từ chối cấp giấy ủy quyền cho Nhà thầu Song Quỳnh do đã cấp giấy ủy quyền bán hàng cho Công ty TNHH Vật tư và Thiết bị công nghiệp Hải Pháp, đối thủ của Song Quỳnh tại gói thầu trên.

Chỉ riêng mặt hàng máy photocopy, thời gian qua, một số nhà thầu đã cung cấp cho phóng viên Báo Đấu thầu tài liệu về việc đại diện nhà sản xuất, nhà phân phối độc quyền của nhiều hãng sản xuất nổi tiếng (hãng K, S, C, R) có hành vi gây khó khăn, từ chối cung cấp hàng, tài liệu chính hãng cho các nhà thầu xếp hạng thứ nhất về giá khi dự thầu, dù trước đó, giao dịch gửi báo giá vẫn diễn ra giữa các bên.

Theo các nhà thầu, đây là hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, về cạnh tranh. Do nhà thầu xếp hạng thứ 1 có giá thấp nhất, hành vi trên còn làm ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho gói thầu.

Theo Điều 110, Điều 111 và Điều 113 Luật Cạnh tranh, hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh sẽ bị xử phạt, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình trạng cấp giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng đang rất lộn xộn, có tình trạng độc quyền, thậm chí thông thầu giữa nhà sản xuất và nhà thầu. Từ đó, giá trúng thầu của hàng hóa rất cao, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thực tế, có tình trạng tất cả các nhà thầu chào giá, nhưng nhà thầu xếp hạng 1, 2, 3 không bao giờ xin được các tài liệu này mà chỉ có nhà thầu chào giá cao nhất cung cấp được.

Một nội dung mới của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đang thu hút sự quan tâm rất lớn là đánh giá uy tín của nhà sản xuất.

“Nhiều quan điểm cho rằng, đó là việc của đại lý, tại sao lại đánh giá uy tín của nhà sản xuất khi không cấp hàng, tài liệu cho nhà thầu có giá cạnh tranh? Có thể khẳng định, quyền bán, mua hàng là bình đẳng của mọi doanh nghiệp, không được phân biệt đối xử. Do đó, nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm trước việc các đại lý có hành vi cản trở cạnh tranh bằng các hợp đồng, cam kết ràng buộc trách nhiệm cụ thể. Để xảy ra tình trạng đẩy giá, chặn giá, từ chối cấp hàng, cung cấp tài liệu, nhà sản xuất không thể vô can”, bà Hằng nói.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, Dự thảo Nghị định sẽ có các quy định rõ ràng để gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với quyền được tiếp cận hàng hóa, tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa của mọi nhà thầu. Nếu không cung cấp các tài liệu bán hàng cho nhà thầu, nhà sản xuất phải có giải trình cụ thể và đưa ra lý do chính đáng.

Tin cùng chuyên mục