Các tiêu chí đánh giá nhà thầu xây lắp của Bộ Giao thông vận tải dựa trên thực tế trên công trường. Ảnh: Nhã Chi |
Ngoài 2 nhà thầu khá “mới” là Công ty SAMWHAN và Halla Corporation, thì Công ty TNHH Keangnam Enterprises và Công ty Xây dựng Kukdong là 2 nhà thầu đã có không ít “tì vết” trong quá khứ.
Không phải lần đầu chưa đáp ứng yêu cầu
Năm 2014, khi triển khai 2 gói thầu A4 và A5 thuộc Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Keangnam Enterprises đã từng bị Bộ trưởng Bộ GTVT (khi đó là ông Đinh La Thăng) ra “tối hậu thư” vì chậm tiến độ. Lý do là nhà thầu chính của Dự án là Keangnam Enterprises không chịu rót vốn, cung cấp vật liệu kịp thời, thiếu thiết bị và nhân lực, dẫn đến không thể hoàn thành 2 gói thầu trong tháng 8 để thông xe toàn tuyến vào ngày 2/9/2014 theo kế hoạch.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đó đã phải thốt lên rằng: “Một dự án hơn tỷ USD đã cơ bản hoàn thành, không thể phụ thuộc vào một hai gói thầu chậm mà không thể đưa vào sử dụng toàn tuyến”.
Năm 2014, Công ty Xây dựng Kukdong được giao làm nhà thầu thi công Gói thầu số 2 (Km1+539.48 đến Km3+943) thuộc Dự án Xây dựng đường nối từ Sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân. Tại dự án này, đoạn tuyến do nhà thầu Kukdong thi công đã chậm tiến độ và ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án. Điều đáng nói là nhà thầu đã “đổ lỗi” do người dân cản trở, không đồng thuận nên mặt bằng thi công không đảm bảo. Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đó đã bày tỏ “không chấp nhận” lý do mà nhà thầu này đưa ra.
Ngoài ra, 2 nhà thầu là Keangnam Enterprises và Kukdong đã liên danh với Công ty xây dựng Hanshin trúng thầu thi công tuyến tránh Rạch Giá thuộc Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1. Vào năm 2013, tại Dự án thành phần 3 thuộc dự án này, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện sai phạm là Liên danh Hanshin - Kukdong - Keangnam đã ký hợp đồng giao thầu phụ với giá trị lớn hơn 30% giá trị hợp đồng chính đã ký trước đó.
Vì sao có mặt trong “danh sách đen”?
Chia sẻ với truyền thông, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ GTVT cho biết, đối với các nhà thầu có trên 6 lỗi/gói thầu hoặc từ 21 lỗi trở lên/các gói thầu hoặc có từ một vi phạm trở lên trong các gói thầu sẽ bị đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”. Trong khi đó, các nhà thầu được đánh giá “đáp ứng yêu cầu” sẽ phải đáp ứng tiêu chí có từ 3 lỗi trở xuống/gói thầu hoặc từ dưới 8 lỗi/các gói thầu và không có vi phạm trong quá trình thực hiện. Còn lại, các nhà thầu có 4 - 6 lỗi/gói thầu hoặc từ 8 đến 20 lỗi/các gói thầu sẽ được đánh giá ở mức trung bình.
Thực tế, việc bị đưa vào “danh sách đen” là điều không một doanh nghiệp xây lắp nào mong muốn. Song, chủ trương công bố xếp hạng và kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp, tư vấn vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là chủ trương rất đúng đắn của Bộ GTVT. Chủ trương này được ví như một cái sàng để Bộ GTVT, chủ đầu tư, ban QLDA lựa chọn được những nhà thầu có uy tín và năng lực tham gia thực hiện các dự án giao thông.
Không nêu rõ lý do 4 nhà thầu Hàn Quốc bị đưa vào “danh sách đen”, nhưng một nguồn tin từ cơ quan quản lý cho hay, Keangnam và Kukdong dính vi phạm “không thực hiện trách nhiệm bảo hành” tại Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn I do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long mới đây cho biết, trong tổng số 17 nhà thầu tham gia thi công các dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư, chỉ có Keangnam và Kukdong là 2 nhà thầu xây lắp bị đánh giá “chưa đáp ứng yêu cầu” trong năm 2015.