Cuộc đua lãi suất thực tế đã diễn ra âm thầm từ những tháng cuối năm 2015 khi các ngân hàng thu hút khách bằng chiêu lãi suất mỗi ngày một cao. Cho đến thời điểm cuối tháng 2/2016, cuộc đua tăng lãi suất trở nên nóng hơn, thị trường ghi nhận hầu hết các ngân hàng đã thay bảng niêm yết lãi suất mới như Eximbank, OCB, SeABank, VPBank, Sacombank, VietABank,...
Các kỳ hạn có biến động chủ yếu là kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Một số NHTM đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng lên trên 8% thậm chí mức lãi cao nhất trên thị trường đã lên tới 8,38%/năm. Ngoài ra, nếu gửi tiết kiệm online, các khách hàng còn được nhận mức lãi suất cao hơn 0,1-0,2%/năm.
Nhận định về đợt tăng lãi suất lần này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng tăng lãi suất để giữ chân khách hàng, vì thế hiện nay cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng. Vô hình chung, các ngân hàng tạo ra một cuộc đua lãi suất, hình thành mặt bằng lãi suất mới.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn, do vậy lãi suất này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay.
BVSC đồng thời cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.
"Cuộc đua lãi suất huy động này xem ra người gửi không được hưởng lợi, nhưng lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Khi đó, người đi vay lại chịu thiệt thòi", một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Dự báo chi tiết hơn trong một báo cáo mới đây, ngân hàng HSBC cho rằng NHNN sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt trong nửa sau của năm nay và lãi suất sẽ tăng 50 điểm đầu tiên trong quý III/2016.
Về phía cơ quan điều hành, mới đây trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD đẩy lãi suất lên cao chủ yếu để thu hút sự chú ý với khách hàng, PR - quảng bá thương hiệu và nắm giữ thị phần nhiều hơn. Trên thực tế, ngoài kỳ hạn dài người gửi phải có khoản tiền rất lớn lên tới hàng chục tỷ đồng, người dân không hề gửi như vậy nên mặt bằng lãi suất gần như không thay đổi.
Hơn nữa, trên phương diện chi phí vốn và thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi, điều này đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất không tăng.
Dẫu vậy, theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), nếu ngân hàng nào đó thực hiện quảng cáo bằng cách này, có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn là nhiều người nghĩ rằng ngân hàng đó đang gặp vấn đề về thanh khoản. Các cơ quan chức năng có thể cũng sẽ “để ý” đến ngân hàng nhiều hơn.
Có lẽ khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 thế nào cũng được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.
Vị chuyên gia đồng thời cho rằng, không loại trừ khả năng việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài và chỉ áp dụng đối với khách hàng lớn là một cách thức để các NHTM truyền thông điệp đến NHNN rằng việc siết tín dụng bất động sản nên được cân nhắc một cách thận trọng.