Chế tài nào cho nhà thầu “nhờn luật”?

(BĐT) - Từ việc 3 nhà thầu bị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại vì không thực hiện hợp đồng mà Báo Đấu thầu phản ánh mới đây cho thấy, đã đến lúc cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và có biện pháp xử lý vi phạm đủ mạnh để tránh tình trạng nhà thầu “nhờn luật”, vi phạm tái diễn.
Bộ Y tế mới đây có quy định các cơ sở y tế phải sử dụng tối thiểu 80% khối lượng thuốc đã đăng ký nhu cầu, dự trù. Ảnh: Hoài Tâm
Bộ Y tế mới đây có quy định các cơ sở y tế phải sử dụng tối thiểu 80% khối lượng thuốc đã đăng ký nhu cầu, dự trù. Ảnh: Hoài Tâm

Bị “dính phốt” vẫn trúng thầu gói lớn

3 nhà thầu trúng thầu nhưng không thực hiện hợp đồng vừa bị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk bêu tên là Công ty CP Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk (Bamephar), Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương. Theo thống kê sơ bộ, cả 3 nhà thầu này đều là những nhà thầu “quen” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng như với Bên mời thầu này. Trong đó, đa số đều là trúng thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu...

Bamephar từng trúng thầu hàng chục tỷ đồng cung cấp thuốc, vật tư y tế. Riêng về các mặt hàng thuốc, Bamephar từng trúng Gói thầu số 3 Thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu thuộc Dự án Mua thuốc khám chữa bệnh 6 tháng cuối năm 2016 cho các đơn vị y tế công lập trong tỉnh Đắk Lắk với giá trúng thầu trên 3,606 tỷ đồng; Gói thầu biệt dược thuộc Dự án Mua thuốc khám, chữa bệnh cấp bách cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (327,564 triệu đồng)...

Tương tự, Phytopharma cũng từng trúng Gói thầu số 1 Thuốc theo tên generic thuộc Dự án Mua thuốc khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập tỉnh Đắk Lắk 6 tháng đầu năm 2016 với giá trúng thầu trên 1,794 tỷ đồng... Không chỉ tại Đắk Lắk, Phytopharma còn trúng thầu với mật độ dày đặc khắp cả nước với nhiều gói thầu quy mô lên tới hàng trăm tỷ đồng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Viện Pasteur TP.HCM...).

Đối với Vimedimex Bình Dương, ngoài gói thầu có hợp đồng bị vi phạm nêu trên (Gói thầu thuốc generic thuộc Dự án Mua thuốc khám, chữa bệnh cho cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2017 với tổng giá trúng thầu là trên 10,33 tỷ đồng), nhà thầu này từng trúng thầu hàng loạt gói thầu khác trên địa bàn tỉnh này như: Gói thầu Mua thuốc khám, chữa bệnh cấp bách gói biệt dược cho Bệnh viện Đa khoa Tỉnh với giá trúng thầu chỉ định 193,2 triệu đồng... Còn tại các bên mời thầu khác, Vimedimex Bình Dương từng trúng Gói thầu số 2 Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị 186,295 tỷ đồng do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn mời thầu; Gói thầu Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị thuộc Dự án Mua sắm thuốc không lựa chọn được nhà thầu và thuốc phát sinh trong quá trình điều trị của Bệnh viện quận Tân Bình...

Đặc biệt, mặc dù vừa bị tai tiếng như vậy, nhưng Phytopharma và Vimedimex Bình Dương lại mới được lựa chọn trúng thầu cung cấp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thí điểm tổ chức. Trong đó, Phytopharma trúng gần 500 tỷ đồng, Vimedimex Bình Dương trúng trên 148,53 tỷ đồng.

Cần mạnh tay xử lý sai phạm

Theo ông Vũ Văn Hưng, cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế, tình trạng nhà thầu đã ký hợp đồng nhưng không cung cấp được thuốc trúng thầu như nêu trên không phải là lần đầu tiên, mà rất hay xảy ra với nhiều bên mời thầu khác. Các bệnh viện cũng hết sức khốn khổ với tình trạng này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu về lý do các nhà thầu nêu trên không thực hiện hợp đồng, ông Lê Bá Nguyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây không phải trường hợp bất khả kháng, mà chủ yếu do gặp vấn đề trong quá trình lưu hành, đăng ký thuốc. Khi dự thầu thì thuốc đó còn hạn đăng ký, nhưng khi trúng thầu rồi lại bị hết hạn số đăng ký nhưng không được cấp lại.

Để tình trạng này không tái diễn trong thời gian tới, ông Lê Bá Nguyên cho biết, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đang nghiên cứu tăng mức xử phạt quy định trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng. Lâu nay, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vẫn áp dụng ở mức tối đa là 10%. Trong thời gian tới, có thể cần phải tăng lên ở mức 20%.

Nếu như không muốn bị chấm dứt hợp đồng và buộc phải bồi thường thiệt hại gây ra do không cung cấp được thuốc trúng thầu đúng hạn, ông Lê Bá Nguyên khuyến nghị, các nhà thầu trước khi tham gia đấu thầu thuốc, cần chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng, tiên liệu việc đăng ký, lưu hành thuốc, để trong trường hợp trúng thầu là có thể cung cấp đúng hạn cho các cơ sở y tế, tránh trường hợp nhà thầu cứ thấy mặt hàng nào có lời là dự thầu mà không có sự chuẩn bị sẵn sàng, dẫn đến việc không cung ứng được, gây khó khăn cho các sơ sở y tế, cũng như làm mất uy tín của nhà thầu.

Nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh từ phía nhà thầu thì còn có một phần đến từ phía các cơ sở y tế. Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Y tế mới đây có đưa ra quy định các cơ sở y tế phải sử dụng tối thiểu 80% khối lượng thuốc đã đăng ký nhu cầu, dự trù. Đây là yêu cầu tương đối cao đối với các cơ sở y tế, nhưng sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu, tránh tình trạng nhà thầu trúng thầu bị “ế” thuốc.

Thực tế là nếu tiến hành xử phạt nhà thầu, ông Hưng chia sẻ, thì chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu sau này ít khi gặp lại nhau. Do vậy, chỉ khi bước đường cùng, bất đắc dĩ lắm mới phải ra quyết định xử lý vi phạm. Lúc ấy, thường thì chủ đầu tư/bên mời thầu phải đi vay tạm, ứng thuốc ở chỗ nào đó, hoặc chuyển sang loại thuốc khác tương đương để kịp thời điều trị cho bệnh nhân.

Thiết nghĩ, nếu các chủ đầu tư/bên mời thầu không thẳng tay, kiên quyết xử phạt nghiêm các nhà thầu sai phạm thì tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Tin cùng chuyên mục