Sớm hoàn thành các cao tốc Bắc - Nam phía Đông mở ra cơ hội phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và hoàn thiện hệ thống hạ tầng để nền kinh tế tăng tốc trong dài hạn. Ảnh: Nhã Chi |
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc chỉ định thầu để thi công các dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong bối cảnh hiện nay là quyết định hợp lý, phù hợp yêu cầu thực tiễn cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công để phục vụ yêu cầu phục hồi nền kinh tế trong ngắn hạn và phát triển nền kinh tế dài hạn.
Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, nếu xây dựng hồ sơ yêu cầu tốt, chọn được nhà thầu đảm bảo yêu cầu thì chất lượng công trình qua hình thức chỉ định thầu và đấu thầu về cơ bản là tương đồng. Chủ tịch VIAC đề xuất, khi xây dựng phương án mời thầu cần kiểm soát ngay chi phí đầu vào, quá trình chỉ định thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của các bên liên quan trong đó có nhà thầu thi công. Vai trò của chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) rất quan trọng để chọn được nhà thầu phù hợp. Trong quá trình lựa chọn, nên ưu tiên cho các nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu có kinh nghiệm, có tiềm năng vượt trội về quản trị và công nghệ đã được chứng minh qua thực tiễn hoàn thành các dự án cao tốc mang tính tương tự trong thời gian qua, theo cách cha ông thường nói “chọn mặt, gửi vàng” một cách công tâm vì lợi ích chung.
Đồng quan điểm, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) lưu ý, để dự án giao thông - một sản phẩm trong tương lai được hình thành theo đúng kỳ vọng, việc “chọn mặt gửi vàng” không chỉ nhìn vào hồ sơ nhà thầu chào, mà phải dựa trên chất lượng công trình nhà thầu đã thực hiện trong quá khứ, từ đội ngũ nhân lực đến công tác tổ chức công trường, huy động trang thiết bị…
Cũng theo Chủ tịch VARSI, để loại bỏ được cơ chế xin - cho hoặc nghi vấn thông thầu, cơ quan chỉ định hoặc đề xuất chỉ định cần phải công khai, minh bạch về tiêu chí lựa chọn, kết quả lựa chọn. Nhà thầu chính được chọn lựa cũng sẽ có thầu phụ và những thầu phụ này cũng phải được công khai hồ sơ trong quá trình đăng ký tham gia chỉ định thầu để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Ông Trần Chủng cho rằng, công tác quản lý, giám sát sau lựa chọn nhà thầu cũng cần được chú trọng, tránh tình trạng hồ sơ đăng ký kê khai rất đẹp, máy móc rất hiện đại, thợ rất cao cấp nhưng ra công trường lại không được như vậy, dẫn đến những căn bệnh trầm kha của đầu tư công là chậm tiến độ, đội giá, kém chất lượng.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, chủ đầu tư và những người tham gia vào quyết định chọn thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với chất lượng và tiến độ của dự án cùng với nhà thầu theo tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Nên trích một phần trong số 5% kinh phí tiếp kiệm được để có thể lập quỹ thưởng cho các nhà thầu có thể rút ngắn được thời gian thi công theo hợp đồng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu, đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, thưởng phạt công tâm.
Từ thực tiễn thực hiện nhiều công trình giao thông đường bộ cả trong vai trò nhà thầu và nhà đầu tư, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: “Chính phủ quy định mức tiết kiệm bắt buộc 5% đối với tất cả các nhà thầu là mức cao, nhưng là cơ sở để tạo áp lực cho các nhà thầu bao gồm cả tư vấn nâng cao năng lực thiết kế, thi công và quản trị dự án mang lại hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất là quy trình chỉ định thầu sẽ giúp rút ngắn được thời gian chọn thầu và có thể rút ngắn được thời gian triển khai thi công. đưa công trình vào sử dụng sớm, như vậy, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội”, ông Thắng chia sẻ. Theo tính toán, việc chỉ định thầu có thể rút ngắn từ 6 - 8 tháng từ khâu thiết kế đến thi công.