Chỉ định thầu dự án đầu tư có sử dụng đất: Lưu ý quy định hiện hành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ25) có hiệu lực từ ngày 20/4/2020, được đánh giá là tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đấu thầu dự án có sử dụng đất, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực từ đất đai cho phát triển. Sau thời điểm Nghị định có hiệu lực, việc xử lý chuyển tiếp cần phải lưu ý để các dự án triển khai phù hợp quy định.
Sau khi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực, không còn
trường hợp chỉ định nhà đầu tư vì lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Ảnh:
Lê Tiên
Sau khi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực, không còn trường hợp chỉ định nhà đầu tư vì lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Ảnh: Lê Tiên

Theo NĐ25, quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất có sự thay đổi so với Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ30), không còn thủ tục sơ tuyển nhà đầu tư, mà lồng ghép việc công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất với quy trình đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Căn cứ kết quả đánh giá, trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu, sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế; trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ, trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan.

Vì thế, sau khi NĐ25 có hiệu lực, sẽ không còn trường hợp chỉ định nhà đầu tư vì lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Dự án đầu tư có sử dụng đất chỉ áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu (chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn).

Việc lồng ghép này được nhiều địa phương đánh giá cao, giúp đơn giản quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian, đồng thời loại bỏ trường hợp chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển vốn diễn ra rất phổ biến trước đây.

Tuy nhiên, đến thời điểm NĐ25 ban hành còn nhiều dự án đang thực hiện dở dang giữa giai đoạn sơ tuyển và giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Qua thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 1/9/2019 đến 20/4/2020, có khoảng 124 dự án đã có kết quả sơ tuyển, trong đó có 60 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, có thể đang trong quá trình đánh giá hoặc chưa phát hành hồ sơ yêu cầu.

Theo quan sát, các địa phương có khả năng triển khai nhanh thủ tục chuẩn bị đấu thầu đã chủ động khởi động lại quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo đúng thủ tục quy định tại NĐ25 hoặc tiếp tục quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi do có từ hai nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển.

Bên cạnh đó, còn một số ý kiến băn khoăn về quy định chuyển tiếp ở Khoản 3 và Khoản 4 Điều 90 NĐ25, những dự án đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển trước ngày 20/4/2020, chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển nhưng chưa phát hành hồ sơ yêu cầu trước ngày 20/4/2020 thì tiến hành thủ tục tiếp theo như thế nào? Một số ý kiến đề xuất trường hợp này được tiếp tục thực hiện thủ tục chỉ định thầu theo quy định tại NĐ30. Thực tế, theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, sau ngày 20/4/2020, không ít địa phương đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đối với những dự án dạng này, với hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định việc tiếp tục áp dụng thủ tục chỉ định thầu sau khi NĐ25 có hiệu lực đối với trường hợp này là không đảm bảo về mặt pháp lý, vì NĐ25 không còn quy định về chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Tuy nhiên, như phản ánh của một số doanh nghiệp, việc sơ tuyển trước đó đã phát sinh chi phí, nên cần có biện pháp xử lý để chuyển tiếp một cách phù hợp.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ KH&ĐT cho biết, để xử lý vướng mắc nêu trên, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép hướng dẫn các địa phương theo hướng: trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển nhưng chưa phát hành hồ sơ yêu cầu trước thời điểm NĐ25 có hiệu lực thi hành thì các địa phương căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 NĐ25 và Khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư để quyết định áp dụng thủ tục chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, kể từ thời điểm NĐ25 có hiệu lực thi hành, trường hợp các địa phương khẳng định dự án có đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan do quá trình sơ tuyển trước đó đã đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh thì tiến hành thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thông tin tại Hội nghị giao ban ngành KH&ĐT diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đăng Trương cũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ25. Sau khi có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý đối với trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nêu trên, Bộ KH&ĐT sẽ hướng dẫn nội dung này vào Thông tư.

Về đề xuất của Bộ KH&ĐT, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các nội dung cần thiết của NĐ25 theo đúng quy định. Trường hợp các nội dung cần quy định rõ hơn và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ theo quy định.

Tin cùng chuyên mục