Nhiều ĐBQH ủng hộ việc mở cơ chế mua sắm thông qua chỉ định thầu, LCNT mua sắm trực tiếp… để đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Trường hợp cấp bách, cấp cứu, cần có cơ chế mở
Theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế, vật tư y tế trong các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế như: cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế; chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ…
Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung thêm một cơ chế mở cho lĩnh vực y tế là trong trường hợp gói thầu đủ điều kiện áp dụng chỉ định thầu nhưng chủ đầu tư không chỉ định thầu mà lựa chọn đấu thầu, chào hàng cạnh tranh thì được nêu xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa để bảo đảm tính khả thi, minh bạch.
Ở phạm vi hẹp hơn so với chỉ định thầu, Dự thảo Luật quy định rõ các trường hợp được áp dụng hình thức LCNT trong trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực y tế như: gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm thuốc, vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…
Khi quy định này được đưa vào Dự thảo Luật, một số ĐBQH cho rằng, cần thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu, xem xét chuyển các trường hợp đặc biệt thành trường hợp chỉ định thầu, nếu đáp ứng điều kiện và hướng tới bỏ quy định về trường hợp đặc biệt để bảo đảm minh bạch.
Tuy nhiên, theo Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Y tế, hình thức LCNT trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2005. Thực tế, gần 20 năm qua có một số gói thầu, dự án thực hiện LCNT theo hình thức này, tiêu biểu nhất là các gói thầu mua vắc xin phòng Covid-19. Do vậy, việc tiếp tục áp dụng hình thức này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu LCNT trong các trường hợp đặc thù, riêng biệt mà nếu áp dụng các hình thức khác, kể cả chỉ định thầu, sẽ không bảo đảm đáp ứng điều kiện cũng như quy trình, thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu (như yêu cầu về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, các điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng...).
Vấn đề thời sự thiếu vắc xin phục vụ tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong đó có vắc xin 5 trong 1, cũng được đặt ra tại nghị trường Quốc hội để bàn giải pháp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ủng hộ cho quan điểm cần thiết bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu ví dụ gần đây nhất là vụ ngộ độc Botulium tại TP.HCM. Bộ Y tế đã phải liên hệ ngay với các nhà cung ứng thuốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhờ tìm kiếm từ kho dự trữ. WHO thông báo còn 6 ống thuốc tại kho toàn cầu ở Thụy Sỹ và lập tức cử 1 chuyên gia chuyển thuốc về Việt Nam ngay trong ngày. Ngày 24/5/2023, thuốc đã được chuyển về Việt Nam để điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Vấn đề thời sự thiếu vắc xin phục vụ tiêm chủng mở rộng quốc gia (chương trình miễn phí), trong đó có vắc xin 5 trong 1, cũng được đặt ra tại nghị trường Quốc hội để bàn giải pháp. Đây đều là những thuốc hiếm, nhu cầu sử dụng ít nên thị trường cũng khan hiếm nguồn cung, chưa có cơ chế mua sắm dự trữ quốc gia.
Rõ trách nhiệm thực thi và tăng giám sát xã hội
Trước nỗi lo của một số ĐBQH về việc lạm dụng hình thức chỉ định thầu, hay LCNT trong trường hợp đặc biệt, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách , Dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện áp dụng, phân định rõ thẩm quyền quyết định của các bộ ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu trong từng trường hợp. Chẳng hạn, khi LCNT trong trường hợp đặc biệt, chỉ quy định một cấp phê duyệt và chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các danh mục thuốc hiếm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng thuốc và nhà thầu cung cấp… để làm căn cứ LCNT. Dự thảo Luật quy định Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngoài những trường hợp đã được quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, điều khoản liên quan về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý nghiêm khắc trong trường hợp vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước được quy định tại các Điều 87, 88, 89, 90 của Dự thảo Luật.
ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Hà Nam) đánh giá, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định rất rõ các điều kiện cụ thể để được chỉ định thầu, từ danh mục hàng hóa là thuốc hiếm, thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế. “Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là bảo đảm việc thực hiện nghiêm, đúng quy định của Luật. Những vụ án sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu xảy ra trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến việc thực thi. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thực thi cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc để quản lý và giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện”, ông Quý nhấn mạnh.