Chi phí phòng cháy chữa cháy “làm khổ” nhà thầu, nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Dù là nước đang phát triển, Việt Nam có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cao như những nước phát triển, thậm chí còn thêm thắt khiến tiêu chuẩn trong nước gần như cao nhất thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu một số vật liệu PCCC bị độc quyền kéo chi phí đầu tư cao gấp nhiều lần”. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết về một trong những bài toán khó trong lĩnh vực đầu tư xây dựng mà nhiều DN đang phải đối mặt.
Một số DN đang gặp khó khăn trong việc thực quy định về PCCC kể từ khi QCVN 06-2021/BXD được ban hành, trong đó có nhiều quy định về vật liệu áp dụng cho khối nhà xưởng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một số DN đang gặp khó khăn trong việc thực quy định về PCCC kể từ khi QCVN 06-2021/BXD được ban hành, trong đó có nhiều quy định về vật liệu áp dụng cho khối nhà xưởng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thông tin đến Báo Đấu thầu, một số DN đang thực hiện đầu tư dự án nhà xưởng thuộc các khu công nghiệp chia sẻ, họ đang gặp khó khăn trong việc thực quy định về PCCC kể từ khi QCVN 06-2021/BXD được ban hành, trong đó có nhiều quy định về vật liệu áp dụng cho khối nhà xưởng.

Cụ thể, theo quy định về thẩm tra thiết kế bản vẽ của PCCC thì cột thép nhà xưởng phải được bọc vật liệu chống cháy đúng quy định (bằng vật liệu rỗng) như thạch cao Perlite dày 16mm; hoặc toàn bộ kết cấu thép phải được sơn chống cháy là loại sơn đặc biệt với giá thành rất cao. “Theo quy chuẩn này thì gần như tất cả các dự án đầu tư nhà xưởng phải dừng lại vì nếu tiếp tục đầu tư sẽ khiến tổng mức đầu tư dự án tăng 60 đến 70% so với trước đây”, nhà đầu tư cho biết.

Một chủ đầu tư nhà máy may tại Hải Dương cho biết, chi phí tuân thủ về PCCC đang rất cao, đẩy nhà đầu tư vào tình thế vô cùng khó khăn. “Cách đây 3 năm, chúng tôi thực hiện đầu tư Nhà máy (giai đoạn 1), trong đó chi phí PCCC chỉ ở mức 5 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy với quy mô đầu tư nhà xưởng tương tự như giai đoạn 1, song chi phí báo cháy được báo giá tới gần 30 tỷ đồng do phải ốp vật liệu chống cháy vào tất cả các bộ phận của kết cấu thép như: cột, vì kèo, xà gồ... khiến tổng mức đầu tư dự án tăng lên rất lớn”, chủ đầu tư bức xúc.

Vẫn theo chủ đầu tư này, các vách kính, hay tường ngăn… đều phải chống cháy. Các vách kính tường ngăn bình thường chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 nhưng sử dụng vách kính chống cháy theo yêu cầu thì chi phí lên tới 100 - 200 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, hệ thống tường thạch cao, ống điều hòa… cũng phải chống cháy làm tăng tổng mức đầu tư công trình. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư xây dựng nhà máy của DN gặp nhiều khó khăn bởi các loại chi phí vật tư, xây dựng, nhân công đều tăng cao. Nay chi phí PCCC tăng gần 6 lần như trên thì DN khó có thể gánh nổi.

Quy định về PCCC không chỉ khiến nhà đầu tư đau đầu mà còn gây khó khăn cho nhà thầu. Hiện chi phí thí nghiệm, kiểm định vật liệu chống cháy để cơ quan PCCC nghiệm thu rất cao.

Một nhà thầu xây dựng lớn nhìn nhận, quy định liên quan PCCC áp dụng về an toàn cháy cho nhà và công trình hiện nay có nhiều nội dung bất hợp lý, thậm chí quá cao, đẩy tổng mức đầu tư dự án/gói thầu lên rất lớn. Nhà thầu cũng băn khoăn về việc quy định vật liệu chống cháy phải được bọc vào kết cấu thép là loại vật liệu khó cháy nhất, trong khi các thiết bị dễ cháy như thiết bị điện, quạt điện, điều hòa, cửa, mái nhà…thì chưa áp dụng. “Đáng lẽ phải áp dụng từ vật liệu dễ cháy cho đến vật liệu khó cháy, hiện tại chỉ áp dụng cho vật liệu khó cháy là kết cấu thép, chúng tôi thấy hơi khó hiểu cần phải có hướng dẫn giải thích rõ vì sao”, nhà thầu băn khoăn và cho rằng nếu những khó khăn này không được tháo gỡ thì tạo thêm gánh nặng cho DN.

Theo nhiều nhà thầu, nhà đầu tư, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, việc đưa ra quy định về PCCC không phù hợp sẽ khiến suất đầu tư dự án tăng lên, nền kinh tế giảm sức cạnh tranh. Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về PCCC cần được sửa đổi theo hướng phù hợp với năng lực của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng đầu tư, sản xuất, từ đó đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục