Xử lý triệt để các hành vi tiêu cực trong đấu thầu sẽ góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về các giải pháp căn cơ “điều trị” những hành vi tiêu cực trong đấu thầu được nêu trong Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu (Gọi tắt là Chỉ thị 03).
Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều hành vi tiêu cực trong đấu thầu, diễn ra dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Chẳng hạn, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT) thì đưa ra các tiêu chí không phù hợp, không minh bạch, cài cắm các tiêu chí riêng để tạo lợi thế cho nhà thầu “ruột”, “thân hữu”. Khi thực hiện thông báo mời thầu thì không tuân thủ theo quy định, thiếu minh bạch trong mời thầu. Khi bán HSMT thì tìm nhiều cách để cố tình hạn chế số lượng nhà thầu mua HSMT. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) thì tìm cách loại các nhà thầu “lạ” để tạo thuận lợi cho nhà thầu “thân hữu” trúng thầu, cố tình loại nhà thầu không mong muốn vì những sai sót không nghiêm trọng; không cho phép nhà thầu làm rõ hoặc không thực hiện làm rõ và bỏ qua những sai sót nghiêm trọng đối với những nhà thầu có quan hệ “thân hữu”, theo địa bàn, theo ngành.
Trong khi đó, công tác thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều vấn đề như: thẩm định hình thức, chưa đi vào thực chất, không làm đúng quy trình, quy định pháp luật về đấu thầu. Công tác giải quyết kiến nghị của nhà thầu còn chậm trễ, chưa thấu đáo, không làm nhà thầu “tâm phục, khẩu phục”, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và vượt cấp ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa đảm bảo chất lượng nên chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh được các hành vi vi phạm.
Đây là những tồn tại khiến cho các hành vi vi phạm trong đấu thầu vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều lúc, nhiều nơi, ở nhiều địa phương, bộ ngành. Nguyên nhân chính là do một số cá nhân thực hiện hành vi tiêu cực nhằm thu được những lợi ích không chính đáng, sắp xếp để nhà thầu “thân quen” trúng thầu.
Những hành vi tiêu cực như trên ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đấu thầu, thưa ông?
Việc xuất hiện các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu đã làm “méo mó” thị trường đấu thầu. Nó cũng làm suy giảm lòng tin của nhà thầu khi theo đuổi gói thầu/dự án, giảm lòng tin của nhà thầu vào tính thượng tôn pháp luật, giảm tính cạnh tranh của từng cuộc thầu. Và một điều dễ nhận thấy là ở những cuộc thầu có xảy ra những hành vi tiêu cực thì giá trị tiết kiệm cho ngân sách thường rất thấp, hiệu quả sử dụng đồng tiền cũng không cao.
Nếu hành vi tiêu cực trong đấu thầu không được xử lý triệt để hoặc được dung túng thì nguy cơ chọn nhà thầu kém chất lượng, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công công trình và việc thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước là hệ quả nhãn tiền.
Việc Bộ KH&ĐT ban hành Chỉ thị 03 được đánh giá là rất kịp thời, đáp ứng kỳ vọng của nhiều nhà thầu. Xin ông phân tích thêm những giải pháp đẩy lùi hành vi tiêu cực trong đấu thầu được nêu tại chỉ thị này?
Tại Chỉ thị số 03, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ thị và yêu cầu các bộ phận liên quan, cá nhân/tổ chức làm công tác đấu thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu, cấp có thẩm quyền, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước… phải thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị, kịp thời khắc phục những hành vi tiêu cực trong đấu thầu, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Chẳng hạn, về HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC) thì tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được.
Trong công tác đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất (HSĐX) phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT/HSĐX và các yêu cầu khác trong HSMT/HSYC, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá HSDT/HSĐX...
Trong tất cả các khâu, Chỉ thị 03 đều yêu cầu gắn trách nhiệm của lãnh đạo, người phụ trách với công tác đấu thầu tại mỗi địa phương, tập đoàn, tổng công ty, đơn vị. Chỉ thị 03 yêu cầu lãnh đạo được phân công phụ trách công tác đấu thầu phải thường xuyên nắm bắt thông tin, thực hiện giám sát, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, Cục QLĐT đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, thưa ông?
Có rất nhiều giải pháp đã và đang được triển khai. Một trong nhiều giải pháp hiện nay chính là thúc đẩy đấu thầu qua mạng. Đây là công cụ tốt để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong đấu thầu. Vì thế, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chúng tôi đều đưa ra các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích việc áp dụng đấu thầu qua mạng của các chủ đầu tư/bên mời thầu, bộ, ngành, địa phương.
Nếu đấu thầu qua mạng được thực hiện phổ cập sẽ đem lại nhiều lợi ích: đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, tăng cường công khai thông tin đấu thầu, tăng tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu, xóa bỏ tình trạng làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của nhà thầu, khắc phục tình trạng không bán HSMT cho nhà thầu, công khai và minh bạch quá trình chấm thầu, tiết kiệm chi phí cho nhà thầu và chủ đầu tư/bên mời thầu.
Trân trọng cảm ơn ông!