Cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày |
Phản ứng linh hoạt với các cú sốc
Năm 2015 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế tài chính tiền tệ toàn cầu, kéo theo hàng loạt các động thái chống đỡ về tiền tệ, tỷ giá của ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước. Không nằm ngoài sự chuyển động của các đồng tiền trên thế giới, đồng Việt Nam (VND) đứng trước nhiều rủi ro, thách thức trong và ngoài nền kinh tế. Bên ngoài, sức ép giảm giá đến từ sự mạnh lên của đồng USD, sự giảm giá của hàng loạt các đồng tiền của các nước mới nổi và đà lao dốc của giá dầu thế giới. Bên trong, yếu tố tâm lý diễn ra nặng nề hơn rất nhiều so với các năm trước. Đặc biệt trong hai tháng cuối năm, khi thời điểm FED tăng lãi suất đến gần và Nhân dân tệ (CNY) liên tục giảm giá, yếu tố tâm lý đã khiến tình trạng găm giữ tăng cao khi một bộ phận tổ chức và cá nhân có nguồn thu ngoại tệ nhưng không bán lại cho tổ chức tín dụng để chờ tỷ giá tăng tiếp, nhiều tổ chức tín dụng duy trì trạng thái ngoại tệ cân bằng hoặc dương nhẹ. Bên cạnh yếu tố tâm lý, sự phục hồi kinh tế khiến cầu ngoại tệ gia tăng phục vụ nhập khẩu càng làm tăng sức ép mất giá của VND trong năm 2015.
Ngay từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã theo sát diễn biến trên thị trường ngoại hối để tính toán những bước đi cần thiết, thận trọng, một mặt xử lý kịp thời các tình huống bất lợi, gỡ bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá, mặt khác phải nghiên cứu để triển khai một cách thức điều hành tỷ giá mới phù hợp hơn trong bối cảnh thay đổi. Theo đó, ngay sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng CNY, NHNN đã kịp thời điều chỉnh tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng sau khi đã điều chỉnh tăng 2% trong 7 tháng đầu năm 2015, đồng thời mở rộng biên độ từ +1% lên +3% nhằm giúp tỷ giá chủ động phản ứng với các biến động phức tạp từ thế giới.
Động thái điều hành của NHNN đã đem lại kết quả tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích chung của toàn nền kinh tế và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đánh giá, sự chủ động, kịp thời, linh hoạt trong điều hành tỷ giá của NHNN giúp Việt Nam có khoảng đệm chính sách tốt hơn trong điều kiện thị trường tài chính tiền tệ thế giới biến động phức tạp, quá trình hội nhập, mở cửa của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh. Đáng chú ý, sự giảm giá của VND không gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ như một số đồng tiền khác. Trong khi đồng bản tệ ở một số nước trong khu vực mất giá mạnh thúc đẩy làn sóng rút vốn và tiềm ẩn rủi ro lạm phát như Ringgit Malaysia, Rupiah Indonesia thì tốc độ mất giá của VND vẫn ở mức vừa phải, không tác động tiêu cực lên sự ổn định của thị trường tài chính, dòng vốn vào vẫn tiếp tục khả quan, lạm phát ổn định.
Chiến lược điều hành mới trong bối cảnh hội nhập
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2016, FED có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 2 - 4 lần, hướng đến mức lãi suất 1,4%/năm vào cuối năm 2016 từ mức 0,25 -0,5%/năm hiện nay. Do đó, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá mạnh gây áp lực đến tỷ giá của Việt Nam. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro đẩy CNY càng mất giá thêm và tác động tâm lý lên thị trường ngoại hối. Ngoài ra, giá dầu thế giới thậm chí sẽ còn giảm mạnh hơn trong năm 2016 do nguồn cung dư thừa và tác động của các xung đột địa chính trị, dự kiến có thể giảm xuống mức 15 - 20 USD/thùng, đe dọa nguồn thu ngoại tệ cho Nhà nước.
Trước bối cảnh này, NHNN đã hoạch định một chiến lược toàn diện, hướng đến 5 mục tiêu cụ thể là: tăng cường vị thế VND nhằm giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ, thực hiện chủ trương chống đô la hóa; giảm thiểu các hoạt động đầu cơ ngoại tệ; nâng cao hơn nữa tính linh hoạt của tỷ giá để thị trường có thể chủ động phản ứng với các biến động phức tạp từ bên ngoài; đẩy mạnh sự phát triển của thị trường phái sinh ngoại hối, hỗ trợ bảo hiểm rủi ro tỷ giá; đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước để tỷ giá không thể biến động quá mức, tác động tiêu cực lên sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ và các cân đối kinh tế vĩ mô.
Trên thực tế, thời gian qua, NHNN đã thực hiện các bước đi theo lộ trình thích hợp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể nêu trên thông qua 4 nhóm giải pháp chính là: nâng cao vị thế VND; hạn chế găm giữ, đầu cơ ngoại tệ; nâng cao hơn nữa tính linh hoạt của tỷ giá và phát triển các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Trong đó, giải pháp nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá đã được NHNN triển khai ngay từ đầu năm 2016 với việc đã công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày. Tỷ giá biến động linh hoạt sẽ triệt tiêu dần tâm lý găm giữ ngoại tệ, cung - cầu ngoại tệ được cân đối và thông suốt, từ đó NHNN sẽ có nhiều điều kiện để giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Tỷ giá trung tâm hàng ngày căn cứ vào cung cầu ngoại tệ trong nước, tỷ giá USD so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam và các cân đối vĩ mô, mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Như vậy, cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến thị trường trong và ngoài nước, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Cách thức điều hành tỷ giá mới bước đầu cho thấy sự phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ngay trong những ngày đầu năm 2016, thị trường tài chính thế giới đã biến động phức tạp. Đồng thời, đồng CNY liên tục giảm giá kỷ lục trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc buộc phải đóng cửa do làn sóng bán tháo chứng khoán. Tuy nhiên, bất chấp diễn biến này, tỷ giá USD/VND trong nước vẫn ổn định. Điều này cho thấy, với cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN, yếu tố đầu cơ trong nước đã giảm mạnh bởi việc “ôm” ngoại tệ chờ “sóng” tỷ giá trở nên rủi ro, mạo hiểm.
Bên cạnh cách thức điều hành tỷ giá mới, NHNN cũng lần đầu tiên cho thực hiện giao dịch ngoại tệ phái sinh dưới hình thức bán ngoại tệ kỳ hạn cho phép hủy ngang với các TCTD. Kỳ hạn giao dịch là 90 ngày với tỷ giá kỳ hạn cao hơn 1% so với tỷ giá bán giao ngay của NHNN. Đây là biện pháp điều hành mới với nhiều ưu điểm. Theo đó, mặc dù không đưa ra các cam kết về tỷ giá như trước đây, NHNN vẫn thực hiện được chức năng định hướng, dẫn dắt kỳ vọng thị trường, bởi căn cứ vào tỷ giá kỳ hạn, thị trường có thể ngầm hiểu mục tiêu của NHNN là tỷ giá có thể tăng đến 1% trong một quý tới. Điều này giúp ổn định tâm lý cho thị trường, nhờ đó TCTD sẵn sàng bán ngoại tệ cho khách hàng khi thị trường khan hiếm nguồn cung.
Có thể nói, với một loạt các giải pháp tổng thể nêu trên, NHNN đang nhanh chóng tiến tới một hệ thống cơ chế tỷ giá linh hoạt, đồng bộ, hướng tới mô hình NHTW hiện đại và thị trường tài chính, tiền tệ phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế tài chính ngày càng sâu rộng trong thời gian tới.
Bùi Quốc Dũng
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước