Chính phủ lên kế hoạch vay hơn 342.000 tỷ đồng năm 2017

Trong kế hoạch vay của Chính phủ, khoản dành để cân đối ngân sách Nhà nước lên tới hơn 316.000 tỷ đồng (chiếm hơn 92%). Đồng thời, Chính phủ cũng dự định sẽ dành hơn 260.000 tỷ đồng để trả nợ.
Khoản vay để cân đối NSNN chiếm tới 92% kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017, quá nửa là để bù đắp bội chi.
Khoản vay để cân đối NSNN chiếm tới 92% kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017, quá nửa là để bù đắp bội chi.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017. Theo đó, trong năm nay, kế hoạch vay của Chính phủ ở mức 342.060 tỷ đồng, gồm: Vay trong nước 243.300 tỷ đồng và vay ODA, ưu đãi nước ngoài 98.760 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản dành để cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) lên tới 316.300 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng); vay về cho vay lại là 25.760 tỷ đồng.

Đồng thời, cũng trong năm nay, theo phê duyệt của Thủ tướng, Chính phủ sẽ dành 260.150 tỷ đồng trả nợ, trong đó: Trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2017 là 242.900 tỷ đồng; trả nợ của các dự án cho vay lại 17.250 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng giao hạn mức được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả.

Cụ thể, năm nay, hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tối đa là 9.250 tỷ đồng. Hạn mức bảo lãnh vay trong nước (rút vốn ròng) được Chính phủ bảo lãnh của các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 8.000 tỷ đồng. Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 700 triệu USD.

Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa là 5.500 triệu USD; hạn mức vay của chính quyền địa phương tối đa là 23.857 tỷ đồng.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát lại sự cần thiết và hạn mức Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 25.145 tỷ đồng, phù hợp định hướng tái cơ cấu VDB mà Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho hỗ trợ NSNN chung, khả năng triển khai và giải ngân nhanh trong năm 2017 trong trường hợp vượt dự toán được duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ dứt điểm vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chưa phân bổ trong mức dự toán 60.000 tỷ đồng được Quốc hội phê duyệt; báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong trường hợp giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi thực tế năm 2017 cho xây dựng cơ bản trong cân đối NSNN vượt quá 60.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo phân công của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát việc vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả trong hạn mức được duyệt. 

Tin cùng chuyên mục