Việc “hợp nhất” hai sở giao dịch chứng khoán hiện nay là con đường tất yếu. Ảnh: THÀNH HOA |
Hợp nhất theo lộ trình
Ngày 7-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTG phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TPHCM nhằm thống nhất, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).
Theo quyết định này, SGDCK Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội. SGDCK Hà Nội (HNX) và SGDCK TPHCM (HOSE) là các công ty con do SGDCK Việt Nam đầu tư 100% vốn, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân. SGDCK Việt Nam có mức vốn điều lệ là 3.000 tỉ đồng, được điều chuyển từ vốn điều lệ của HNX và HOSE.
Cũng theo lộ trình, phương án cổ phần hóa SGDCK Việt Nam sẽ được xây dựng trong giai đoạn từ năm 2020-2023 để thực hiện sau hơn bốn năm nữa.
Một số chức năng, nhiệm vụ chính của SGDCK Việt Nam bao gồm giám sát SGDCK Hà Nội và TPHCM triển khai thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ; giám sát chung về thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; làm trung gian hòa giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.
Việc thành lập SGDCK Việt Nam được thực hiện theo lộ trình nhằm đảm bảo hoạt động của thị trường vẫn ổn định, liên tục. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2019-2020) vẫn tiếp tục duy trì hoạt động như hiện nay tại HNX và HOSE, đồng thời thống nhất tổ chức bộ máy hoạt động của SGDCK Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX và HOSE, hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 2 (từ năm 2020-2023), đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường đi vào hoạt động, trên cơ sở đó thực hiện lộ trình phân khúc các khu vực thị trường. Dự kiến toàn bộ thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp) và tạo dựng TTCK phái sinh.
Xu hướng tất yếu
Trên thực tế, theo Đề án tái cấu trúc TTCK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012, trong bốn trụ cột tái cấu trúc thì đến nay ba trụ cột (gồm hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán) về cơ bản đã hoàn tất. Riêng trụ cột tái cấu trúc tổ chức thị trường đến nay vẫn chưa triển khai được, trong khi mảng việc này, lẽ ra đã phải hoàn thành từ năm 2015.
Nhiều ý kiến cho rằng với nền tảng hạ tầng công nghệ như hiện nay, việc tồn tại song song hai SGDCK gây nên sự lãng phí về nguồn lực xã hội, hiệu quả hoạt động khi hệ thống giao dịch, hệ thống quy trình, quy chế không đồng bộ. Điển hình như việc hiện nay, các thành viên thị trường, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ bị tăng chi phí lên gấp đôi vì phải trả phí kết nối và các phí dịch vụ khác với hai sở thay vì một sở.
Trên bình diện quốc tế, xu hướng hợp nhất các SGDCK đã diễn ra mạnh mẽ trên thế giới trong những năm qua. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn phát triển ban đầu, các thị trường trên thế giới có nhiều SGDCK vì lúc đó công nghệ thông tin chưa phát triển, họ cần thành lập nhiều sở như vậy ở các địa bàn khác nhau để các công ty chứng khoán thuận lợi trong việc cử nhân sự tham gia đại diện tại SGDCK nhằm đặt lệnh và xử lý các vấn đề liên quan đến giao dịch.
Sau đó, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, hầu hết các giao tiếp trên TTCK là qua trực tuyến, nên yếu tố địa lý không còn là cản trở nữa, xu hướng hợp nhất các SGDCK trở nên phổ biến. Điển hình như Nhật Bản, trước đây nước này đã có lúc có đến sáu SGDCK nhưng sau quá trình hợp nhất nay chỉ còn có một (sàn Tokyo); Hồng Kông có bốn SGDCK, nay hợp nhất còn một; Hàn Quốc có hai SGDCK, nay chỉ còn một...
Xu hướng hợp nhất không chỉ phổ biến ở phạm vi quốc gia, mà còn ở cấp độ khu vực. Chẳng hạn, SGDCK Euronext có sự liên kết bởi sáu SGDCK các quốc gia thành viên.
Kinh nghiệm hợp nhất các SGDCK trên thế giới cũng cho thấy, cần khoảng 3-5 năm để hoàn tất, chứ không thể làm ngay trong thời gian ngắn. Sở dĩ cần khoảng thời gian khá dài vì trong suốt quá trình hợp nhất vẫn luôn phải đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, không giật cục và mục tiêu cao nhất của quá trình hợp nhất là tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể và gia tăng được hiệu quả hoạt động của thị trường.
Quay về với TTCK Việt Nam, trong 20 năm đầu tiên tạo dựng, việc Việt Nam có hai SGDCK là phù hợp, nhưng đến nay, khi mục tiêu nâng hạng và tiến đến hội nhập với thị trường vốn khu vực ngày càng cấp bách thì việc hợp nhất hai SGDCK là con đường tất yếu và đến lúc phải thực thi.
Điểm “lăn tăn” duy nhất còn lại là việc đặt trụ sở của SGDCK hợp nhất được ấn định tại Hà Nội, thay vì TPHCM, nơi được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước cũng như là nơi đặt trụ sở kinh doanh của nhiều doanh nghiệp blue-chips đang niêm yết trên TTCK. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng đang có trụ sở đặt tại TPHCM. Do vậy, xét về các điều kiện hiện tại, có lẽ việc đặt trụ sở của SGDCK Việt Nam tại TPHCM hợp lý hơn.