Cho vay lại nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

(BĐT) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo đề xuất về cho vay lại chính quyền địa phương. Về điều kiện được vay lại, dự thảo nêu rõ: Điều kiện được vay lại đối với Ủy ban nhân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật quản lý nợ công.

Về tỷ lệ cho vay lại vốn ODA: Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA.

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 20% vốn vay ODA.

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA.

Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA.

Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vay lại 80% vốn vay ODA.

Bộ Tài chính thẩm định điều kiện được vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật quản lý nợ công.

Cho vay lại doanh nghiệp

Theo dự thảo, điều kiện được vay lại đối với trường hợp cho doanh nghiệp vay lại thông qua cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng: Doanh nghiệp đủ điều kiện được vay lại theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Luật quản lý nợ công.

Trường hợp cho doanh nghiệp vay lại thông qua cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng: Doanh nghiệp đủ điều kiện được vay lại theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật quản lý nợ công, có xác nhận của một tổ chức tín dụng đủ điều kiện làm cơ quan cho vay lại về việc tổ chức tín dụng đồng ý cho vay lại doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chịu rủi ro tín dụng đối với khoản cho vay lại.

Về trị giá cho vay lại, dự thảo đề xuất, doanh nghiệp đủ điều kiện được vay lại thực hiện vay lại toàn bộ nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Việc cho vay lại doanh nghiệp thực hiện theo một trong hai phương thức sau: Cho vay lại thông qua cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, áp dụng đối với cho vay lại để thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước; cho vay lại thông qua cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng: Áp dụng đối với cho vay lại để thực hiện dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục