Chủ động và bình đẳng trong thu hút FDI

(BĐT) - Quan điểm tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng với tâm thế chủ động, bình đẳng lựa chọn được lãnh đạo Chính phủ chia sẻ thẳng thắn tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam. 
Thủ tướng Chính phủ đánh giá doanh nghiệp FDI là thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Chính phủ đánh giá doanh nghiệp FDI là thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Sự chủ động này sẽ giúp Việt Nam lựa chọn được những dự án FDI có chất lượng, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển đất nước, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Thông điệp chung từ lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị là ghi nhận vai trò tích cực của khu vực FDI xuyên suốt 30 năm qua. Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, song hành với sự nghiệp Đổi mới, đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển của nền kinh tế. Như cách nói của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp FDI đã là thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu của lãnh đạo TP. Hà Nội, Bình Dương và tham luận của lãnh đạo nhiều địa phương gửi tới Hội nghị đều khẳng định, nguồn vốn FDI đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương, tạo nên bước phát triển bứt phá của hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM và giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhiều địa phương. Dòng vốn FDI đã có tác động lan tỏa nhiều mặt đến kinh tế các địa phương, cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ của lao động Việt Nam, góp phần giúp cải thiện đời sống người dân, diện mạo của những địa phương mạnh dạn thu hút FDI có sự thay đổi rõ rệt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khái quát: “Việc mở cửa thu hút FDI là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện thành công nhiều mục tiêu quan trọng của đất nước”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong thu hút FDI thời gian qua. Đó là các doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ trung bình trong khu vực, liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, còn biểu hiện báo lỗ, chuyển giá... Công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài cũng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương, thiếu tư duy chiến lược, chính sách hấp dẫn để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia…

Dù vẫn còn hạn chế, nhưng Thủ tướng cho rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích thu hút FDI trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài làm ăn, kinh doanh, mở rộng sản xuất, phát triển hiệu quả. Định hướng thu hút sẽ có chọn lọc hơn, chú trọng thu hút các dự án FDI có tính liên kết cao, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, các dự án phải thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tỷ lệ nội địa hóa cao, tiếp cận công nghệ tương lai của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng đã trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hấp dẫn, hiệu quả, là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất thời gian qua. Tại Hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều chia sẻ mong muốn tiếp tục lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm đầu tư, làm ăn lâu dài, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam.             

Chủ động và bình đẳng trong thu hút FDI ảnh 1
Việt Nam cần chuyển hướng thu hút FDI

Ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Lào, Campuchia của Công ty Tài chính quốc tế (IFC)

Việc thu hút FDI của Việt Nam trước đây chủ yếu là những ngành có giá trị gia tăng thấp. Nhưng sắp tới, Việt Nam cần chuyển hướng thu hút những dự án FDI có giá trị gia tăng và sử dụng công nghệ cao hơn. Thách thức đặt ra trong thời gian tới là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rào cản thương mại, gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia.

Chúng tôi khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam về 8 nhóm giải pháp đột phá, như: tăng cường cung cấp các kỹ năng chính để tạo thuận lợi cho FDI thế hệ mới; xây dựng/kiện toàn cơ quan xúc tiến FDI thế hệ mới để chủ trì thực thi chiến lược; cải cách khung chính sách ưu đãi hiện hành; hiện đại hóa xúc tiến đầu tư, xác định lĩnh vực ưu tiên xúc tiến chủ động; thực hiện môi trường kinh doanh 4.0; mở cửa cho FDI những ngành nghề hỗ trợ năng lực cạnh tranh và tăng trưởng; có chính sách cụ thể để tăng cường kết nối và tác động lan tỏa của DN FDI...

Chủ động và bình đẳng trong thu hút FDI ảnh 2
Mong Việt Nam cải thiện chính sách về thuế và phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO)

Ưu điểm của Việt Nam là thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ, môi trường thu hút đầu tư tốt, mặc dù còn một số hạn chế. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng nhìn thấy rõ hơn nữa sự cải thiện về chính sách thuế, đặc biệt là hoàn thuế, cũng như chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng tôi mong muốn tìm kiếm lao động dồi dào, nhưng chi phí nhân công vẫn còn cao. Nhật Bản cam kết phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn cho Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn tiếp tục cùng phát triển, tạo mối quan hệ hợp tác tin cậy lẫn nhau, gắn bó lâu dài tại Việt Nam.

Chủ động và bình đẳng trong thu hút FDI ảnh 3
Việt Nam cam kết cải cách, KorCham cam kết đồng hành

Ông Kim Young Chul - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham Vietnam)

Hiện có một nửa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực ASEAN có mặt tại Việt Nam. Đó là do Việt Nam có chính sách hỗ trợ nhất quán. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các bộ ngành, địa phương để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp.

Việt Nam đang được xem là chìa khóa tương lai. Lĩnh vực đầu tư mà các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm khá đa đạng, tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Việt Nam cần có cam kết cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. KorCham cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam.