Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Không thể để nhà đầu tư nước ngoài nói như thế”

(BĐT) - “Xã hội hiện vẫn rất bức xúc về vấn đề lãng phí, tham nhũng, bức xúc lên tới đỉnh dốc rồi. Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã từng nói rằng, vấn đề sợ nhất khi làm việc với Việt Nam là “chi phí gầm bàn”. Chúng ta đã có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nên không thể để các nhà đầu tư nước ngoài nói như thế thì rất không tốt cho vấn đề chính sách của chúng ta”.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ảnh Internet
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ảnh Internet

Đây là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khi cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều ngày 24/2.

Liên quan đến nội dung này, Báo cáo Công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày trước UBTVQH cho biết, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 94,7%). Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành...

Đánh giá về nội dung này tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật (UBPL), Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý thông tin, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như kiện toàn bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được loại bỏ, cơ chế một cửa đã được triển khai đến các cấp, các ngành, địa phương... Tuy nhiên, đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”...

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đã thể hiện và khẳng định được vai trò là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan thực thi pháp luật của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có những bước tiến vượt bậc so với các khóa trước, mở ra những quy định, hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng hơn trong đầu tư, kinh doanh; những nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường được hình thành rõ qua những văn bản pháp lý như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… Trên cơ sở góp ý của UBTVQH, Chính phủ có những tiếp thu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Báo cáo và báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 tới.