Loạn giá trúng thầu
Theo BHXH Việt Nam, tính đến 31/9/2017, đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 63.593 tỷ đồng, tăng thêm 7.579 tỷ đồng trong vòng 1 tháng.
Có 21 tỉnh có chi phí khám, chữa bệnh BHYT 9 tháng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm 2017 trên 100 tỷ đồng. Một số tỉnh có số chi khám chữa bệnh BHYT bội chi cao như: Nghệ An (919 tỷ đồng), Thanh Hóa (780 tỷ đồng), Quảng Nam (579 tỷ đồng), Quảng Ninh (359 tỷ đồng), Hà Tĩnh (281 tỷ đồng), Hải Dương (247 tỷ đồng). Dự kiến, năm 2017, quỹ khám chữa bệnh BHYT sẽ bội chi trên 10 nghìn tỷ đồng.
Vì sao chi phí khám chữa bệnh BHYT lại gia tăng bất thường? Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng chi phí này như giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập; lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý; kéo dài ngày điều trị; mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế (VTYT) chưa hợp lý và đặc biệt là tình trạng trục lợi quỹ BHYT...
Trong đó, một nguyên nhân lớn là tăng chi mua thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý. Cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn về mua thuốc biệt dược gốc hết bảo hộ, chưa có hướng dẫn đấu thầu VTYT. Việc sử dụng biệt dược gốc với tỷ trọng lớn, lựa chọn thuốc giá cao dẫn đến gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đấu thầu VTYT cần phải yêu cầu ghi rõ xuất xứ hàng hóa, tên thương mại...
Qua kiểm tra đấu thầu thuốc, có tình trạng xây dựng kế hoạch về số lượng và giá cao hơn so với thực tế. Cùng một loại dược liệu nhưng giá trúng thầu khác nhau chênh lệch khá nhiều, gấp vài lần.
Cùng một loại hoạt chất nhưng các thuốc thành phẩm có giá khác nhau, nhiều cơ sở khám chữa bệnh sử dụng các loại thuốc đắt. Chẳng hạn cùng hoạt chất amoxilin và acid clavulanic nhưng thuốc thành phẩm Acigmentin đơn giá là 4.095 đồng nhưng Rezoclav đơn giá 9.500 đồng. Cùng hoạt chất Paclitaxel, thuốc tiêm Paclitaxel Ebewe có đơn giá 850.379 đồng nhưng thuốc tiêm Paclitaxelum Actavis có đơn giá 4.100.000 đồng.
Đối với VTYT cũng vậy, cùng một loại giá đỡ mạch vành phủ thuốc Sirolimus Orsiro, ở Thanh Hóa giá trúng thầu là 58,49 triệu đồng, nhưng giá trúng thầu ở Hà Nội chỉ có 38,2 triệu đồng.
Sắp công khai kết quả đấu thầu tập trung
Để kiểm soát, hạ giá thuốc khám chữa bệnh BHYT, trong năm 2017, BHXH Việt Nam thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung. Đại diện BHXH Việt Nam cho biết hiện cơ quan này đang thực hiện đấu thầu thuốc quốc gia theo Nghị quyết 59/NQ-CP, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. BHXH Việt Nam đang thí điểm đấu thầu tập trung 5 hoạt chất chính và 23 loại thuốc.
Về tiến trình thực hiện, BHXH Việt Nam cho biết đã thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, đã mở thầu và hiện tổ chuyên gia đang chấm thầu theo quy định pháp luật, tổ thẩm định sẽ tiến hành thẩm định.
Được biết, việc đấu thầu tập trung thuốc BHYT nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu, có 30 nhà thầu nộp hồ sơ. Có 4 gói thầu chính được phân chia thành gói thầu phía Bắc, gói thầu miền Trung, gói thầu phía Nam và gói thầu biệt dược gốc.
Đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh toàn bộ quy trình đấu thầu được thực hiện theo quy định pháp luật và rất công khai, minh bạch. BHXH Việt Nam đã mời thêm đại diện cơ quan công an cùng giám sát quá trình đấu thầu. Thông tin về đơn vị trúng thầu và mức giá trúng thầu hiện chưa được cung cấp, nhưng sau khi đấu thầu BHXH Việt Nam sẽ công khai giá trúng thầu, đơn vị trúng thầu, các điều kiện kỹ thuật cũng như việc chấm điểm theo các tiêu chí...
Mục tiêu của việc đấu thầu thuốc tập trung là để công khai, minh bạch và lựa chọn thuốc tốt, giá hợp lý, lựa chọn nhà cung cấp có khả năng cung ứng, hướng tới giảm giá thuốc và người hưởng lợi cuối cùng là người khám chữa bệnh theo BHYT.