Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nhiều yếu tố hỗ trợ VND giữ giá
Những tháng gần đây, nhiều đồng tiền trên thế giới tiếp tục xu hướng giảm giá so với USD. Chẳng hạn, đồng Bảng Anh đã mất giá đến 4,7% so với USD tính trong 8 tháng năm 2019 và đang ở vùng giá thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Đồng Bảng Anh chịu tác động chủ yếu từ việc nước Anh sắp rút ra khỏi Liên minh châu Âu. Tương tự, EUR cũng đã mất giá tới 4,2% so với USD trong 8 tháng qua.
Diễn biến quan trọng nhất với kinh tế thế giới là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau tuyên bố tăng thuế và áp thuế bổ sung của cả hai bên vào ngày 23/8, và một phần trong tuyên bố đó đã chính thức được thực thi từ 1/9. Dù hai bên vẫn để ngỏ khả năng ngồi vào bàn đàm phán, song giới quan sát cho rằng, triển vọng mang lại kết quả tích cực là rất thấp khi cả Mỹ và Trung Quốc đều giữ quan điểm rất cứng rắn.
Để trung hòa phần nào ảnh hưởng của thuế quan từ Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã liên tục hạ giá đồng Nhân dân tệ (CNY). Kết quả là, CNY mất giá tổng cộng 3,96% trong tháng 8.
Dù USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, nhưng tỷ giá giao dịch USD/VND khá ổn định, gần như đi ngang trong cả tháng 8. Số liệu thống kê của bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, tính trong 8 tháng đầu năm nay, dù áp lực quốc tế gia tăng nhưng VND không những không mất giá mà còn tăng nhẹ 0,15% so với USD.
Ngoài VND, một số đồng tiền của châu Á như INR của Ấn Độ, PHP của Philippines, THB của Thái Lan… cũng tăng giá so với USD. Theo SSI, nguồn cung ngoại tệ trong nước rất dồi dào, chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức cao sẽ hỗ trợ VND tiếp tục giữ giá trong thời gian tới.
Chủ động và thuận lợi
Đánh giá về sự ổn định của tỷ giá USD/VND trong thời gian qua, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước nói: “Không hẳn từ đầu năm đến nay tỷ giá không biến động. Thực ra, vào thời điểm cuối tháng 5 năm nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khá nhanh, có lúc VND giảm giá khoảng 450 đồng so với USD, tức giảm giá khoảng 0,9% so với cuối năm trước. Sau đó, diễn biến tỷ giá USD/VND có xu hướng ổn định và trở về mức tương đương đầu năm nay”.
Tuy nhiên, theo ông Hà, giá USD mua vào - bán ra cao hay thấp chưa quan trọng bằng tính thanh khoản của thị trường. Nói cách khác, giao dịch mua - bán trên thị trường giữ trạng thái cân bằng là điều đáng quan tâm hơn.
“Những tháng đầu năm 2019, khi tỷ giá USD/VND biến động tương đối thì giao dịch mua - bán vẫn cân bằng, ai cần bán vẫn bán được mà ai cần mua vẫn mua được. Thậm chí, có lúc Ngân hàng Nhà nước còn mua ròng từ thị trường. Điều này khác biệt so với trước đây, khi tỷ giá USD/VND tăng, người bán có xu hướng co lại không bán, khiến nguồn cung USD trên thị trường đã thiếu lại càng thiếu. Diễn biến tâm lý khách hàng trên thị trường gần đây đã khá ổn định”, ông Hà chia sẻ.
Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu chính sách và thị trường, ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, việc VND giữ giá chưa đáng quan ngại từ cả góc độ thị trường và cách thức điều hành.
“Rõ ràng, diễn biến xuất nhập khẩu của Việt Nam khá tích cực trong những tháng đầu năm nay. Chúng ta vẫn giữ được đà xuất siêu nhờ lợi thế từ việc hàng Trung Quốc gặp khó với thị trường Mỹ. Mặt khác, có thể thấy rõ tính hiệu quả trong cách thức điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước đã mua vào - bán ra ngoại tệ nhịp nhàng theo biến động thị trường và thể hiện rõ quan điểm có tăng, có giảm tỷ giá USD/VND trong xem xét biến động của các đồng tiền khác trong rổ tính toán tỷ giá, thay vì chỉ định hướng tăng hoặc giảm. Đáng chú ý, các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực như lạm phát thấp, thặng dư thương mại khả quan, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tích cực tạo thành điểm tựa để chính sách tỷ giá được chủ động và thuận lợi hơn trong thời gian qua và cả giai đoạn từ nay đến cuối năm”, ông Minh nhấn mạnh.