Chứng khoán chênh vênh trên đỉnh lịch sử

Biên độ trong những phiên gần đây được nới rộng nhưng khoảng cách giữa giá mở và đóng cửa lại ngày càng thu hẹp.
Thị trường đang trong giai đoạn khó đoán định với các nhà đầu tư.
Thị trường đang trong giai đoạn khó đoán định với các nhà đầu tư.

Mất 11 năm để thị trường chứng khoán xác lập một kỷ lục mới về mặt điểm số. Tuy nhiên, để đưa thị trường thực sự vượt qua đỉnh quá khứ và hình thành một xu hướng mới lại là câu chuyện khác.

Phiên giao dịch gần nhất, VN-Index chốt phiên với mức chênh lệch 0,4% so với giá mở cửa. Từ đầu tuần đến nay, không ít lần chỉ số này cố gắng vượt qua ngưỡng 1.180 điểm, thậm chí chạm tới gần 1.190 điểm. Tuy nhiên đến gần lúc đóng cửa, lực bán ồ ạt đã kéo VN-Index "về lại mặt đất".

Trạng thái giằng co của chỉ số, thực tế, đang cho thấy sự căng thẳng về diễn biến, nhưng nếu xét về khía cạnh thanh khoản lại thể hiện một vấn đề khác. Thanh khoản những phiên gần đây, hay kể cả những phiên xác định kỷ lục của VN-Index, đều duy trì ở ngưỡng trung bình - thấp. "Tiền ít luôn là vấn đề, dù tăng hay giảm. Điều này phản ánh sự thận trọng của thị trường, sự đi xuống của kỳ vọng từ nhà đầu tư", một chuyên gia đánh giá.

Những yếu tố này, xét về tổng thể, đang bộc lộ sự không chắc chắn của xu hướng thị trường tương lai. Hay nói đúng hơn, là cảm giác "chênh vênh" khi VN-Index trên đỉnh lịch sử.

Nhìn từ thực tế, sự không chắc chắn trong xu hướng thị trường bộc lộ ở 3 điểm chính, tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng", diễn biến phức tạp trong phiên giao dịch và thanh khoản thấp.

Vượt 1.130, 1.150 điểm và phá cả mức đỉnh kỷ lục tại 1.172 điểm nhưng không nhiều nhà đầu tư ghi nhận lợi nhuận lúc này, nếu không nói đến là thua lỗ.

VN-Index có những phiên tăng trên dưới 10 điểm, nhưng độ rộng của thị trường lại nghiêng hoàn toàn về bên bán với sắc đỏ bao trùm. Đà tăng hầu như chỉ phụ thuộc vào những cổ phiếu bluechip có vốn hóa đứng đầu, trong khi khá nhiều thuộc nhóm vốn hoá trung bình (midcap) và vốn hóa nhỏ (penny), không đi ngang thì cũng giảm giá. Khác với giai đoạn trước khi dòng tiền định hướng vào từng nhóm cổ phiếu, nay dòng tiền chỉ chạy vào một số mã nhất định.

Đơn cử như phiên giao dịch ngày 26/3 khi VN-Index tăng hơn 18 điểm, riêng 10 cổ phiếu đứng đầu đã đóng góp tới hơn 11 điểm. VIC của Vingroup, VJC của Vietjet, MSN của Masan hay VCB của Vietcombank là những "trụ đỡ" giúp thị trường giữ sắc xanh, trong khi phần lớn cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Đây cũng là thực tế của tình trạng được nhiều nhà đầu tư nói đến gần đây - "xanh vỏ, đỏ lòng".

Một vấn đề khác cũng cần nhắc đến là sự "biến ảo" của thị trường ngay trong phiên giao dịch. Đầu giờ sáng dòng tiền có thể kéo chỉ số tăng mạnh, nhưng ngay vào phiên chiều đã có thể quay đầu về dưới tham chiếu.

Như trường hợp hai phiên giao dịch ngày 27 và 28/3, biên độ giữa mở cửa và đóng cửa của VN-Index chỉ khoảng 0,5 điểm, tương đương 0,04%, nhưng mức độ chênh lệch giữa cao nhất và thấp nhất có thể lên tới gần 20 điểm. Vấn đề này cũng là nguyên nhân khiến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ngày càng tăng cao. Có những phiên giao dịch mà danh mục từ lãi chuyển sang lỗ chỉ sau vài phút đảo chiều của xu hướng.

VN-Index đang có xu hướng đi ngang với thanh khoản ngày càng giảm. Ảnh:VNDirect

Sự "biến ảo" của thị trường cũng là lý do dẫn tới thực trạng thứ ba, thanh khoản ngày càng giảm và duy trì ở mức thấp.

Trong phân tích kỹ thuật có một lý thuyết kinh điển là quá trình phá đỉnh sẽ đạt độ tin cậy cao hơn nếu thanh khoản tăng cao tại phiên giao dịch "break" và những phiên sau đó. Điều này có thể hiểu đơn giản là nhà đầu tư đã chấp nhận mặt bằng giá mới trong một xu hướng mới của thị trường.

Tuy nhiên, việc phá đỉnh của VN-Index gần đây lại không đi cùng với điều kiện này. Sự thận trọng trong giao dịch, cùng với trạng thái "bất ổn" của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư không dám "xuống tiền". Thay vào đó, phần lớn vẫn đang duy trì danh mục hiện tại, đứng ngoài quan sát và chờ thị trường đưa ra một tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn, dù tăng hay giảm.

Trong báo cáo hàng ngày từ các công ty chứng khoán, hầu hết những đơn vị này cũng đưa ra khuyến nghị thận trọng cho nhà đầu tư và cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ đi ngang trong khoảng 1.150 - 1.180 điểm.

"Khối lượng giao dịch sụt giảm phản ánh việc tâm lý nhà đầu tư đang có phần chán nản với diễn biến chủ yếu là giằng co và đi ngang. Mọi hoạt động giải ngân hay bán ra đều được tiết giảm ở một mức độ nào đó", báo cáo của Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) chiều ngày 29/3 về biến động thị trường cho biết.

Nhiều nhà đầu tư vẫn nói "thị trường sẽ đi lên trong sự nghi ngờ", trạng thái khó đoán định của VN-Index ở thời điểm này đang cho thấy kịch bản trên có thể sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, rủi ro cũng là điều cần được cân nhắc, đặc biệt lúc này. Dù dài hạn vẫn là triển vọng tích cực, song nhiều dự báo đã tính tới việc thị trường bị "đánh úp" về vùng 1.100 - 1.130 điểm, trước khi quay trở lại mức giá hiện tại. Lịch sử cũng chứng minh, điều tương tự đã diễn ra với VN-Index khi chỉ số này cố gắng vượt qua ngưỡng 1.120 - 1.130 điểm cách đây hơn nửa tháng.

Tin cùng chuyên mục