Chứng khoán ngày 24/1: Giằng co quanh mốc tham chiếu

Thị trường vẫn diễn biến theo kịch bản cũ khi thanh khoản thấp và các chỉ số giao dịch giằng co trong biên độ hẹp.
Chứng khoán ngày 24/1: Giằng co quanh mốc tham chiếu. Ảnh minh họa: TTXVN
Chứng khoán ngày 24/1: Giằng co quanh mốc tham chiếu. Ảnh minh họa: TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, VN – Index tăng 0,61 điểm lên 908,79 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 151 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt rất thấp, chỉ hơn 110,29 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 2.677,7 tỷ đồng.

HNX – Index tăng nhẹ 0,11 điểm lên 102,78 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng giá, 62 mã đứng giá và 65 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 28,2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 378,1 tỷ đồng.

Các chỉ số vẫn giữ được sắc xanh là nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 16 mã tăng giá, trong khi chỉ có 9 mã giảm giá.

Các mã tăng tiêu biểu có thể kể đến như: VJC tăng 2,2%, REE tăng 1,5%, CII tăng 2,6%, KDC tăng 1,8%; trong khi VNM, VIC, FPT, PNJ,... chỉ tăng giá nhẹ.

Ở chiều giảm giá, đáng chú ý ROS, SAB, SBT, GAS, NVL,... giảm giá nhẹ. Thêm vào đó, cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là VHM cũng giảm giá 1% đã gây áp lực lớn lên chỉ số.

Rất may, thị trường còn có sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Những mã quan trọng nhất trong nhóm cổ phiếu này đều ở chiều tăng giá như: CTG tăng tới 2,5%, MBB tăng 2,4%, VPB tăng 1,5%. Các mã STB, TCB, ACB,... đều tăng giá nhẹ.

Ở chiều giảm giá, TPB giảm mạnh nhất nhóm cũng chỉ ở mức giảm 2,5%, trong khi HDB, EIB, BID chỉ giảm giá nhẹ.

Nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm tích cực nhất trong phiên giao dịch hôm nay với sắc xanh lan tỏa. BSR tăng tới 2,5%, OIL tăng 1,5%, PVB tăng 1,3%, PVD tăng 1,6%, PVS tăng 1,1%, TDG tăng 2,2%. Ở chiều giảm giá chỉ còn PVC giảm 1,7%, GAS giảm nhẹ 0,2%.

Phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại quay trở lại bán ròng giá trị trên HOSE và HNX, trong khi mua ròng trên UPCOM.

Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,9 triệu cổ phiếu, nhưng tính theo giá trị thì khối ngoại lại bán ròng 24,02 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã PLX (hơn 29,34 tỷ đồng), CTD (hơn 17 tỷ đồng), trong khi mua ròng CTG (hơn 31,22 tỷ đồng) và VNM (hơn 25,69 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 416.580 cổ phiếu, với giá trị bán ròng đạt 5,34 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã PVS (hơn 1,3 tỷ đồng), tiếp đến là TNG (hơn 1,1 tỷ đồng).

Trên sàn UPCOM, khối ngoại mua ròng 140.000 cổ phiếu, với giá trị mua ròng đạt 15,96 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh mã VTB (gần 13 tỷ đồng), VEA (hơn 2,68 tỷ đồng).

Trức đó, thị trường thế giới có những diễn biến trái chiều. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 23/1, chứng khoán Âu – Mỹ tăng giảm trái chiều. Thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều ghi điểm vào cuối phiên.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên đóng phiên ở mức 24.575,62 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 2.638,70 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite nhích 0,1% lên 7.025,77 điểm. 

Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,9% xuống 6.842,88 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 0,2% xuống 11.071,54 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris cũng giảm 0,2% xuống 4.840,38 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 không thay đổi, giữ ở mức 3.112,13 điểm. 

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng thành công của các cuộc đàn phám thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng “đi ngang” và giữ ở mức 27.008,20 điểm vào lúc chốt phiên sau một phiên giao dịch giằng co, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,1% lên 2.581 điểm. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 khép phiên giảm 0,1% xuống 20.593,72 điểm./.

Tin cùng chuyên mục