Tất cả các dịch vụ của TPBank đang ứng dụng các công nghệ mới nhất. Ảnh: Lê Tiên |
Khảo sát trên hơn 300 tổ chức dịch vụ tài chính trên thế giới của Infosys Finacle và Efma cho thấy, 70% các tổ chức đang nỗ lực chuyển đổi số và họ đặt niềm tin lớn rằng chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải tiến quy trình, thúc đẩy phát triển các dịch vụ ngân hàng số, giảm chi phí hoạt động.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số.
Nếu như cách đây khoảng 10 năm, người tiêu dùng chỉ có thể thực hiện các giao dịch tài chính qua ngân hàng thì nay họ có thể sử dụng dịch vụ tài chính của hàng loạt các công ty fintech... Số liệu từ Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, hiện Việt Nam có hơn 150 doanh nghiệp fintech với các dịch vụ trải dài từ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng đến gọi vốn cộng đồng...
Đây là một áp lực không dễ chịu cho các ngân hàng. Do đó, bài toán tự động hóa quy trình là một trong những thách thức hàng đầu mà các ngân hàng đang cần tập trung giải quyết nếu không muốn tiếp tục để các công ty fintech bỏ xa.
Không kể đến fintech thì sự bùng nổ của các thiết bị di động cũng đã buộc ngân hàng phải chuyển mình, nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới cũng như các giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Hàng loạt các ứng dụng tài chính và hàng loạt những thay đổi mới trong trải nghiệm thanh toán và sử dụng dịch vụ của khách hàng ra đời. Thanh toán qua di động đang ngày càng được ưa chuộng. Theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, riêng trong quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ 2018.
Bên trong nội bộ các ngân hàng, nhiều dịch vụ phân tán đặt ra thách thức phải tối đa hóa hiệu quả và giữ chi phí càng thấp càng tốt trong khi yêu cầu bảo mật ngày càng nghiêm ngặt. Tại Diễn đàn công nghệ FPT 2019, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết họ đã nhanh chóng nhập cuộc hành trình chuyển đổi số. Cách mà các ngân hàng Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số là tự đổi mới, bắt tay với công ty công nghệ hoặc tăng cường hợp tác với fintech để nhanh chóng tận dụng thế mạnh của đôi bên.
Ông Vũ Minh Tuấn, chuyên gia tư vấn giải pháp ngân hàng của Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, 2 năm trở lại đây, số lượng các ngân hàng đặt vấn đề thử nghiệm áp dụng các công nghệ tự động hoá quy trình, tiến tới ký kết các hợp đồng chuyển đổi số đã tăng lên nhanh chóng. Đơn cử như trong lĩnh vực tự động hóa quy trình nghiệp vụ, từ con số khách hàng chỉ bằng 0, trong vòng hơn 1 năm, công ty này đã triển khai chuyển đổi số cho 6 ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Sớm đầu tư vào việc phát triển các công nghệ 4.0, đến thời điểm này, các giải pháp tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) của FPT đã có thể ứng dụng hiệu quả trong việc thực thi các quy trình nghiệp vụ lặp lại quy mô lớn, tự động hóa tác vụ, giải phóng sức lao động thủ công của các cán bộ tài chính ngân hàng. Đặc biệt, rất nhiều ngân hàng đang quan tâm đến giải pháp bảo mật của FPT - được thiết kế trên một nền tảng duy nhất và toàn bộ quá trình vận hành an toàn thông tin đều được tự động hóa, với thời gian phân tích một mối đe dọa không quá 5 phút.
FPT đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng tại một số ngân hàng. Mới đây nhất, nhiều ngân hàng đã đặt vấn đề với FPT để số hóa toàn bộ dịch vụ nội bộ thông qua Cổng dịch vụ hợp nhất FPT.U-services.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết hiện tất cả các dịch vụ của đơn vị này đang ứng dụng các công nghệ mới nhất. Hiện TPBank đang triển khai Live bank mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng như thực hiện các dịch vụ ngân hàng từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ nhận diện khách hàng qua video, sinh trắc học.., kết nối nhân viên với khách hàng từ xa qua hội thoại video.
Với việc đưa Live bank vào hoạt động, TPBank chỉ mất thời gian 12 giờ để thiết lập một phòng giao dịch tự động với đầy đủ các dịch vụ của một phòng giao dịch truyền thống nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1/3. Hơn nữa, với Live bank, chỉ trong vòng 8 phút khách hàng có thể mở tài khoản và nhận thẻ trong khi họ mất 3 - 4 ngày nếu làm thủ tục tại các phòng giao dịch truyền thống.
Còn với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), hiệu quả là rõ rệt khi ứng dụng các giải pháp tự động hóa vào quy trình hoạt động. FPT.AI Vision (giải pháp trích xuất thông tin và nhận diện hình ảnh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI) đã hỗ trợ MBBank số hóa thông tin khách hàng với thời gian tính bằng giây. Trước đây, thời gian nhập dữ liệu thông tin khách hàng của MBBank mất trung bình khoảng 4 phút. Từ khi áp dụng FPT.AI Vision, ngân hàng chỉ mất 3 giây để nhập đầy đủ thông tin khách hàng, với độ chính xác trên 96%.
Bàn về lợi ích từ số hóa ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy đã giúp đơn vị này tiết kiệm 10 tỷ đồng mỗi năm. Ông Tâm cũng khẳng định, chuyển đổi số cần làm sao để khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn cả trước, trong và sau khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng. Khi thực hiện các giao dịch online nếu phải chờ đợi quá 10 giây khách hàng sẽ có phản ứng và có thể sẽ ngừng thực hiện giao dịch.
Những kết quả trên là động lực mạnh mẽ để các ngân hàng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong hành trình đó, sự hợp lực của các công ty công nghệ là cực kỳ cần thiết. "FPT cam kết cùng khởi động - cùng đầu tư" giúp các ngân hàng khởi động thông minh trong hành trình số với sự thay đổi vượt trội trong hiệu quả hoạt động, cách thức tương tác với khách hàng và các dịch vụ mới cạnh tranh", ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định. Sự quyết tâm của ngân hàng và đồng hành của công ty công nghệ sẽ là lực đẩy mạnh mẽ để hiện thực hóa ngân hàng số một cách toàn diện trong tương lai không xa.