Vietcombank là ngân hàng trả cổ tức đều đặn nhất |
Cải thiện tích cực
Ngân hàng duy trì cổ tức đều đặn nhất chính là Vietcombank, Ngân hàng chứng minh “đẳng cấp” không “nhúng chân vào khủng hoảng” như nhiều ngân hàng khác suốt giai đoạn khó khăn vừa qua.
Năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 6.828 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2014. Cổ tức được công bố là theo kế hoạch là 10%, tức là không phải “có bao nhiêu thì chia hết”, nhưng vẫn tích cực hơn rất nhiều ngân hàng đang còn vật lộn với nợ xấu, cổ tức bằng 0. Người được hưởng lợi lớn nhất đương nhiên là cổ đông nhà nước khi nắm sở hữu chi phối tại Vietcombank. Kế hoạch cổ tức cho năm 2016, Vietcombank tiếp tục mức 10% tối đa, dù lợi nhuận mục tiêu cao hơn là 7.500 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng nhỏ hơn, dù còn không ít khó khăn, nhưng vẫn “an ủi” các “ông chủ” bằng mức cổ tức khiêm tốn bằng tiền mặt, thay vì bài ca “cổ tức bằng cổ phiếu”.
LienVietPostBank kết thúc năm 2015 với 349 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 25% so với năm trước đó, nhưng vẫn dành 129 tỷ đồng chia cổ tức theo tỷ lệ 5%. Hay như tại OCB, đến cuối năm 2015 chỉ ghi nhận 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tiếp tục đà giảm từ năm 2013, nhưng vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 4,5%.
Tương tự là BacA Bank, Ngân hàng tưởng chừng gặp khó khăn và chỉ mới xử lý xong chuyện vượt sở hữu, cũng dự kiến chia cổ tức 5,3% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.
Chờ một tương lai dài hơn
Theo lãnh đạo một ngân hàng, khi trình bày với cổ đông tại ĐHCĐ vừa được tổ chức, về lý thuyết, ngân hàng có lãi là có thể chia cổ tức bằng tiền mặt. Nhưng các cổ đông nên “tiếp tục thông cảm” cho phương án không chia cổ tức, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo vị lãnh đạo này, không chia cổ tức thì lợi nhuận vẫn được giữ lại, còn chia cổ tức bằng cổ phiếu là giải pháp tăng vốn kỹ thuật giúp nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng. Cả 2 điều này đều giúp cho ngân hàng có cơ hội nâng cao năng lực tài chính, cải thiện tình hình kinh doanh và tương lai sẽ đều “trả lại cổ đông”.
Chẳng hạn, ngay tại ĐHCĐ ACB vừa được tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo ngân hàng này đã giải thích kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu là nhằm tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu nâng chuẩn quản trị theo Basel II. Cụ thể, ACB tăng thêm là 896 tỷ đồng vốn điều lệ lên mức 10.273 tỷ đồng, đây là mức giúp nâng cao hệ số an toàn vốn của Ngân hàng và giúp ACB nâng cao năng lực tài chính, ứng phó với biến động thị trường.
Ông Andrew Colin Vallis, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro ACB cho rằng, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam càng cao thì các ngân hàng Việt Nam càng cần nhiều vốn. Không chỉ ACB, mà tới đây, các ngân hàng khác cũng cần tăng vốn, bản thân Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các ngân hàng hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, để nâng cao năng lực vốn.
Câu chuyện tương tự là ở VPBank, ngân hàng này nhiều năm liên tiếp chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức khá cao so với bình quân thị trường do kết quả kinh doanh tích cực. Riêng năm 2015, VPBank ghi nhận 2.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 92% so với năm 2014, mức rất cao trong khối các ngân hàng cổ phần. Sau khi trừ các khoản giảm lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận còn lại năm 2015 chưa phân phối của VPBank là 1.652 tỷ đồng. Ngân hàng trích quỹ đầu tư phát triển hơn 400 tỷ đồng, nên lợi nhuận năm 2015 còn lại được sử dụng để tăng vốn là 1.105 tỷ đồng, tất nhiên vẫn bằng… cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế vẫn có ngân hàng còn khó khăn, 3 năm liền không chia cổ tức, có những ngân hàng chỉ chia 3 - 5%.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nguyên tắc đầu tiên là phải trích lập dự phòng đầy đủ, thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính.
“Tiền mặt có thể lĩnh ra ngay, nhưng cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông không lĩnh lúc này thì lúc khác, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và độ an toàn, nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.