Bệnh viện Dệt may đã được cổ phần hoá cùng Tập đoàn Dệt may Ảnh: Internet |
Mới có 50 đơn vị được cổ phần hoá
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, cả nước còn gần 58.000 ĐVSNCL với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người. Đến năm 2018, số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số ĐVSNCL đang hoạt động.
Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh.
Đó là, chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp này.
Chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành công ty cổ phần như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL.
Chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL, hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Nhiều nội dung của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg dẫn chiếu tới quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với ĐVSNCL và doanh nghiệp là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các ĐVSNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị.
Phần lớn ĐVSNCL đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần có quy mô nhỏ, tuy nhiên Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đang quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển đổi. Quy định này tăng khối lượng công việc của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, hạn chế tính chủ động của cơ quan chủ quản và kéo dài thời gian chuyển các ĐVSNCL thành công ty cổ phần.
Do đó, Bộ Tài chính được phân công xây dựng Dự thảo Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần để khắc phục những nội dung trên và thúc đẩy quá trình này trong thời gian tới.
Cơ chế mới phân cấp mạnh hơn
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị định chú trọng mục đích xử lý căn cơ về vấn đề đất đai trong quá trình chuyển đổi.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp này phải có phương án sử dụng đất cụ thể khi thực hiện phương án cổ phần hoá. Sau khi cổ phần hoá, các công ty cổ phần phải sử dụng đất đúng mục đích đã được phê duyệt.
“Chẳng hạn, xác định mục đích hoạt động là cơ sở đào tạo thì đất đai phải được thực hiện cho mục đích đó chứ không phải xây thành cao ốc. Trong trường hợp công ty xây nhà để phục vụ mục đích đào tạo nhưng sử dụng không hết công năng thì phần còn lại có thể dùng cho mục đích gia tăng khác và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không thể có chuyện dùng 1/10 cho mục đích hoạt động chính còn 9/10 cho mục đích khác được. Trong trường hợp đơn vị không muốn giữ lại đất cho hoạt động sau cổ phần hoá thì có thể trả lại để đấu giá đất”, ông Tiến nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị định cũng xác định cơ chế mới cho việc chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần. Cách làm theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg là các bộ, ngành, địa phương phê duyệt danh mục rồi trình Thủ tướng phê duyệt từng mục. Dự thảo Nghị định được thay đổi theo hướng Thủ tướng sẽ phê duyệt danh mục cho từng giai đoạn, sau đó UBND địa phương và các bộ sẽ quyết định phương án chuyển đổi và chịu trách nhiệm. Như vậy, mức độ phân cấp sẽ mạnh hơn.
Các ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế, giáo dục chưa thuộc diện tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, những đơn vị nào đủ điều kiện và xung phong làm cũng có thể được thực hiện.
Tuy nhiên, các cơ sở y tế, giáo dục thuộc các tập đoàn, tổng công ty sẽ cổ phần hoá khi tập đoàn và tổng công ty thực hiện cổ phần hoá. Đây là trường hợp đã thực hiện tại Bệnh viện Dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may. Hoặc Viện nghiên cứu của Tập đoàn Cao su cũng đang tiến hành cổ phần hoá cùng tập đoàn này.
“Việc cổ phần hoá các ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế, giáo dục gắn liền với an sinh của cộng đồng dân cư nên cần tiến hành thận trọng hơn. Riêng các cơ sở chuyên về nghề như Bệnh viện Dệt may chẳng hạn, họ có nguồn thu rõ ràng và đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hoá cùng với Tập đoàn”, ông Tiến nói.