Ảnh Internet |
Điều thú vị, theo giới phân tích, chiến thắng không hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp có giá CP cao ngất ngưởng như CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (mã HTL, giá 100.000 đồng/CP), CTCP Phú Tài (mã PTB, giá 77.000 đồng/CP); CTCP Ô tô TMT (mã TMT, gần 40.000 đồng/CP), hay CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (mã SVC, giá 34.000 đồng/CP)…, mà DN mỉm cười lại là CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (mã HHS) với mã CP chỉ giao dịch trên mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Giá cao, tắc thanh khoản
Trước khi chia tách với tỷ lệ 2:1 (ngày 25/1/2016), CP HTL có giá cao nhất trong ngành ô tô lên đến 161.000 đồng/CP. Điều này có được do lợi nhuận năm 2015 tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, thanh khoản CP này chỉ dừng ở mức trung bình gần 50.000 CP/phiên. Phiên giao dịch ngày 1/2, CP này giảm sàn rất ít nhà đầu tư tham gia bắt đáy. Thanh khoản yếu do HTL có vốn điều lệ khiêm tốn 120 tỷ đồng, trong đó các cổ đông lớn nắm giữ với tỷ lệ cao. Việc CP tăng giá cao nhưng ít nhà đầu tư được hưởng lợi, bởi CP đa phần nằm trong tay cổ đông nội bộ. Do đó, giá CP HTL không được tạo nền vững chắc, khi số lượng lớn CP bán ra đã bị tắc thanh khoản. Điểm sáng đáng chú ý trong giao dịch CP HTL năm qua là Chairatchakarn – nhà đầu tư Thái Lan - đã liên tục gia tăng sở hữu, hiện đang nắm giữ 2,2 triệu CP HTL, tương ứng 27,56% vốn điều lệ Công ty. Chủ tịch Chairatchakarn mới đây cũng đã có tên trong HĐQT Trường Long.
TMT là cái tên được nhắc đến nhiều trong năm qua do CP này tăng giá mạnh và vụ thâu tóm hụt Công ty mẹ Tổng CTCP Vinamotor. Mặc dù có giá cao nhưng CP thanh khoản yếu ớt với khối lượng trung bình 50.000 CP/phiên.
Không hoạt động sản xuất, lắp ráp, chủ yếu làm thương mại, lĩnh vực ô tô đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của CTCP Phú Tài (mã PTB). Hoạt động kinh doanh ô tô Toyota tiếp tục tăng trưởng 24% nhờ nhu cầu tiêu thụ xe hơi tăng cao. Sản lượng tiêu thụ xe hơi của PTB tăng từ mức 1.530 chiếc năm 2014 lên mức 1.900 chiếc trong năm 2015. Với vốn điều lệ lên đến trên 1.400 tỷ đồng, thanh khoản trung bình chỉ ở mức 40.000 CP/phiên là điều HĐQT PTB không mong đợi.
HHS, ngư ông đắc lợi
Cho đến tận bây giờ, phiên giao dịch ngày 18/12/2015 vẫn trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của các nhà đầu tư đánh theo sóng ETF và ưa thích CP ngành ô tô. Trước đó gần một tuần, CP HHS được thêm vào danh sách VNM ETF (Quỹ hoán đổi danh mục Market Vectors Vietnam). Sau khi “ra tin”, nhiều nhà đầu tư rục rịch mua vào và hi vọng sẽ “tặng” lại cho VNM ETF với giá cao trong ngày khóa sổ 18/12. Suốt cả phiên giao dịch này, HHS giao dịch bình lặng có xanh, có đỏ với giá trên 15.000 đồng/CP.
Đến phiên ATC, tất cả nhà đầu tư nhỏ lẻ bàng hoàng khi nhận ra lệnh bán khối lượng lớn ngay đầu phiên lên đến trên 10 triệu CP, đạp CP này về giá sàn (14.600 đồng/CP). Khi nhận ra lệnh bán quyết liệt của “tay to”, họ nhập lệnh bán giá sàn cũng không khớp được do bất lợi về thời điểm vào lệnh. Cái giá phải trả là bán ra giá sàn trong ngày giao dịch tiếp theo. Ai là người có thể bán quyết liệt trong ngày ETF mua vào hàng triệu CP mà theo quy luật bình thường giá có thể lên? Kịch bản giảm sàn là điều nhà tư nhỏ lẻ không nghĩ đến, nhưng những người nắm cuộc chơi sẵn sàng chấp nhận, bởi bán ở giá đó họ vẫn có lãi.
Nhìn lại hoạt động tăng vốn của HHS kể từ khi lên niêm yết có thể dùng đến hai từ: “thần kỳ”. Với số vốn vỏn vẹn 100 tỷ đồng, HHS lên sàn vào tháng 2/2012. Sau 4 năm niêm yết, DN này tăng vốn lên đến 2.330 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2015, HHS đã phát hành thành công hơn 122 triệu CP tăng vốn từ trên 1.000 tỷ đồng lên 2.330 tỷ đồng. Phương án phát hành “bia kèm lạc” (phát hành CP tạm ứng cổ tức năm 2015 và chào bán CP ra công chúng) được HHS khai thác triệt để và thu được thành công ngoài mong đợi.
Làm thế nào HHS đạt được kết quả đó trong khi không ít CP ngành ô tô kết quả kinh doanh tích cực nhưng không thực hiện tăng vốn và thanh khoản yếu kém? Ngoài kết quả kinh doanh, câu chuyện nằm ở kỹ thuật tạo sóng và thanh khoản cao. Lượng CP tự do lưu hành lớn, trung bình giao dịch mỗi phiên của HHS lên đến 25 triệu CP cao hơn các mã CP đầu cơ có tiếng trên thị trường như FIT, FLC, VHG… Số lượng CP giao dịch trung bình trong một phiên của HHS cao hơn tất cả số lượng trung bình CP ngành ô tô giao dịch trong phiên cộng lại.
Không ít DN ngành ô tô đang “đau đầu” mặc dù giá CP “ngự” ở mức cao. Vốn điều lệ thấp, thanh khoản kém duy trì được giá CP cao nhưng làm thế nào giảm được các khoản vay, chuyển huy động vốn ngân hàng sang huy động vốn của các cổ đông như cách HHS đã làm? Giá CP giao dịch trên 10.000 đồng/CP và do thị trường tự điều tiết theo cung cầu, công việc của HĐQT HHS hiện tại là duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi trả cổ tức ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn lãi suất tiết kiệm. Với khoản tiền mặt lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong tài khoản, có thể HHS đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chơi mới.
Rõ ràng, câu chuyện CP ngành ô tô vẫn còn hấp dẫn trong năm 2016 khi ngành này có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số. Nhu cầu mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, sự nhòm ngó của nhà đầu tư ngoại dẫn đến nhu cầu tăng vốn của các DN trong ngành này. DN nào sẽ là “game” tiếp theo vẫn còn là một ẩn số trong khi HHS dường như vừa kết thúc một “cuộc chơi” ngoạn mục.