Mỹ phẩm thương hiệu JM Solution của GP Club tại Myeongdong, Seoul - Ảnh: JM Solution. |
Tại Hàn Quốc, chăm sóc da đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc làm đẹp. Cơn sốt mỹ phẩm làm đẹp, đặc biệt là với mặt nạ, mang về số tiền khổng lồ cho nhiều doanh nhân, trong đó có Kim Jung-woong.
Tháng 10/2018, tập đoàn đầu tư Goldman Sachs Group Inc. mua lại 5% cổ phần của Kim Jung-woong tại công ty do ông sáng lập, GP Club Co. Ltd., với giá 67 triệu USD, đưa định giá của hãng mỹ phẩm này lên 1,3 tỷ USD. Theo đó, Kim Jung-woong, 44 tuổi, cùng gia đình sở hữu 95% cổ phần còn lại và trở thành tỷ phú.
Kim Jung-woong có bước chân đầu tiên trong ngành công nghiệp làm đẹp bằng việc bán mỹ phẩm cho các nhà buôn tại Trung Quốc và ra mắt thương hiệu riêng của mình, JM Solution, vào năm 2016. Thương hiệu này nhanh chóng nổi tiếng trên sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba (Trung Quốc).
Tuy nhiên, sau đó, những căng thẳng chính trị tấn công thị trường sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc. Năm 2017, Hàn Quốc cho phép quân đội Mỹ lắp đặt Hệ thống tên lửa Thaad để chống lại những đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Bắc Kinh xem đây là động thái đe dọa tới an ninh của nước này, dẫn tới làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng Hàn Quốc. Trong bối cảnh này, GP Club tận dụng lợi thế là một thương hiệu còn khá mới và nhỏ.
GP Club tiếp tục giới thiệu sản phẩm mới - mặt nạ Honey Luminous Royal Propolis Mask và mở rộng sang bán tại các cửa hàng miễn thuế Hàn Quốc. Mức giá thấp đã giúp sản phẩm của công ty thu hút được dân chuyên buôn hàng xách tay, được gọi là Daigou - những người chuyên mua hàng cho khách tại Trung Quốc Đại lục khi khả năng tiếp cận với sản phẩm ngoại còn hạn chế và giá cả cao hơn.
Doanh số của GP Club tiếp tục tăng trưởng mạnh, bán ra 9,5 triệu mặt nạ trong tháng 12/2017 và đạt kỷ lục 100 triệu chiếc vào tháng 8/2018. Nửa đầu năm ngoái, doanh thu của công ty tăng lên 300 tỷ Won (266 triệu USD), từ 50 tỷ Won (44,4 triệu USD) của cả năm 2017. Nhờ đó, GP Club thu hút được sự quan tâm của Goldman Sachs và đưa đến thương vụ trên.
Tại Hàn Quốc, việc sở hữu tài sản lớn từ tự thân khởi nghiệp không phổ biến. Trong số 500 người giàu nhất thế giới của danh sách Bloomberg Billionaires Index, chỉ có 2 trong số 7 tỷ phú của Hàn Quốc là tự thân. Các doanh nghiệp gia đình lớn, còn gọi là chaebol, hoạt động trải rộng khắp các lĩnh vực, để lại dư địa nhỏ bé cho các công ty khởi nghiệp. Nhưng ngành công nghiệp làm đẹp lại là một ngoại lệ.
Tại Sân bay Quốc tế Incheon, những thứ đầu tiên thu hút sự quan tâm của du khách sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc là các màn hình TV lớn chiếu quảng cáo mỹ phẩm từ các công ty ít nổi tiếng, chứ không phải Samsung hay tên tuổi lớn khác.
"Các công ty lớn có nhiều tiền hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhưng việc kinh doanh mỹ phẩm đòi hỏi nhiều hơn thế. Đây là lĩnh vực dành cho các chuyên gia", Lee Jin-wook, người sáng lập của Have & Be Co. Ltd. - chuyên bán kem dưỡng da, mặt nạ trực tuyến, cho biết. Năm 2015, hãng mỹ phẩm Mỹ Estée Lauder Cos. đã mua cổ phần tại Have & Be trong một thương vụ không tiết lộ giá trị.
Thời gian qua, ngành này tại Hàn Quốc chứng kiến nhiều thương vụ lớn. Năm 2017, Unilever chi 2,27 tỷ Euro (2,6 tỷ USD) mua lại phần lớn cổ phần tại hãng mỹ phẩm chăm sóc da Carver Korea Co., từ Goldman, Bain Capital và người sáng lập Lee Sang-rok. Lee, 45 tuổi, hiện sở hữu tài sản 900 triệu USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Tháng 10/2018, Credit Suisse Group AG mua gần 3% cổ phần tại nhà sản xuất mặt nạ L&P Cosmetic Co. với giá gần 40 tỷ Won (35,6 triệu USD).
Hàn Quốc, với diện tích chỉ bằng 1/4 Nhật Bản, là nhà xuất khẩu mỹ phẩm lớn thứ 6 thế giới năm 2017, theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư-Thương mại Hàn Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2018, nước này xuất khẩu 4,6 tỷ USD mặt hàng mỹ phẩm, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu tăng từ Trung Quốc.