Gói thầu HH12-SCL2021 Cung cấp vật tư và dịch vụ sửa chữa cho hệ thống bộ sấy không khí do Công ty Nhiệt điện Thái Bình làm chủ đầu tư. Ảnh: NC st |
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh Công ty TNHH Sparkko - Công ty CP Phát triển dân dụng và công nghiệp (gọi tắt là Liên danh Sparkko - Cidcom) trúng thầu với giá 17,87 tỷ đồng (giá gói thầu 17,93 tỷ đồng), tỷ lệ giảm giá dưới 1%; thời gian thực hiện hợp đồng là 7 tháng, loại hợp đồng trọn gói.
Gói thầu do Công ty Nhiệt điện Thái Bình làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, sử dụng nguồn vốn sửa chữa lớn năm 2021 của Công ty. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng.
Thông tin với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Thắng, cán bộ Phòng Kế hoạch - Vật tư của Công ty Nhiệt điện Thái Bình cho biết, tại thời điểm đóng thầu (ngày 25/3/2021) có 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT, gồm: Liên danh Sparkko - Cidcom; Liên danh Công ty CP Đại Tam Sơn - Công ty CP Kỹ thuật Toàn Cầu (Liên danh Đại Tam Sơn - Toàn Cầu); Liên danh Công ty CP Truyền dẫn Long Biên - Công ty CP Công nghệ Tuyền Lâm (Liên danh Long Biên - Tuyền Lâm); Liên danh Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Mỏ - Xây dựng - Công ty CP Giải pháp kỹ thuật Công nghệ Việt (Mitec - Sotec); Viện Nghiên cứu cơ khí.
Qua đánh giá HSDT, 1 nhà thầu không đáp ứng tư cách hợp lệ và năng lực, kinh nghiệm là Liên danh Long Biên - Tuyền Lâm nhưng Tổ xét thầu vẫn thống nhất tiếp tục đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) của Nhà thầu; 2 nhà thầu không vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật (Viện Nghiên cứu Cơ khí; Liên danh Đại Tam Sơn - Toàn Cầu).
Tại vòng đánh giá tài chính, Liên danh Sparkko - Cidcom có đề xuất tài chính (17,87 tỷ đồng) cạnh tranh hơn Liên danh Mitec - Sotec (17,922 tỷ đồng) nên được lựa chọn trúng thầu.
Trước đó, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Báo Đấu thầu đã nhận được phản ánh của Liên danh Đại Tam Sơn - Toàn Cầu phản ứng về lý do loại nhà thầu này. Nhà thầu cho rằng, HSDT của Nhà thầu cùng các tài liệu làm rõ đều đáp ứng các tiêu chí của HSMT.
Tuy vậy, phản hồi kiến nghị của Nhà thầu, Công ty Nhiệt điện Thái Bình cho biết, có nhiều lý do khiến Liên danh Đại Tam Sơn - Toàn Cầu không vượt qua bước đánh giá kỹ thuật.
Cụ thể, theo Báo cáo đánh giá HSĐXKT, Tổ xét thầu đánh giá, ở lần làm rõ HSDT lần thứ nhất, Liên danh có cung cấp bảng so sánh thông số kỹ thuật cơ bản quy định tại HSMT nhưng chưa cung cấp thông số lắp đặt chi tiết các phần tử trao đổi nhiệt và bảng so sánh chi tiết thông số lắp đặt với sản phẩm theo yêu cầu của HSMT.
Tiếp đó, ở lần làm rõ HSDT lần thứ hai, Liên danh Đại Tam Sơn - Toàn Cầu cung cấp thông số kích thước lắp đặt chi tiết của các phần tử trao đổi nhiệt, song Nhà thầu chưa có sự so sánh tương đương với các kích thước trong bản vẽ cung cấp phù hợp như HSMT yêu cầu. Thêm vào đó, Nhà thầu không có giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công chủ yếu cho các công tác chính, không có tổ chức mặt bằng công trường, không có hệ thống tổ chức như yêu cầu của HSMT; không có quy trình quản lý chất lượng thi công, không có hồ sơ quản lý chất lượng…
Dữ liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, thời gian qua, cả 2 thành viên trong Liên danh trúng Gói thầu HH12-SCL2021 đã trúng nhiều gói thầu ngành điện.
Từ cuối năm 2015 đến nay, trong vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Công ty TNHH Sparkko được công bố trúng 22 gói thầu, trong đó có 7 gói thầu do Công ty Nhiệt điện Thái Bình mời thầu. Đơn cử: Gói thầu HH03-2021 Cung cấp vật tư thay thế cho hệ thống thổi bụi lò hơi với giá trúng thầu 4,69 tỷ đồng; Gói thầu HH74-2020 Cung cấp vật tư phục vụ sửa chữa bơm hút chân không silo tro bay Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình với giá trúng thầu 1,76 tỷ đồng; Gói thầu HH21-2020 Cung cấp vật tư phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy nén khí với giá trúng thầu 7.18 tỷ đồng…
Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, từ cuối năm 2018 đến nay, Công ty CP Phát triển Dân dụng và Công nghiệp được công bố trúng 18 gói thầu, trong đó 7 gói thầu do Công ty Nhiệt điện Thái Bình mời thầu.