Đàm phán giá thuốc biệt dược gốc: Cơ hội cung ứng thuốc gần 22 nghìn tỷ đồng

(BĐT) - Sau 3 lần tổ chức đàm phán giá thành công vào các năm 2018, 2020, 2021, năm nay, Bộ Y tế tăng danh mục thuốc đàm phán giá lên 86 mặt hàng và nhận được sự hưởng ứng của các nhà thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế nên tiếp tục mở rộng danh mục thuốc mua sắm tập trung theo hình thức đàm phán giá để giảm tải cho các địa phương, cơ sở y tế và thuận tiện cho các nhà thầu tham dự cũng như phân phối thuốc.
Dự toán Cung cấp thuốc biệt dược gốc nằm trong Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2023 có tổng dự toán hơn 21.479 tỷ đồng, chia thành 4 gói thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dự toán Cung cấp thuốc biệt dược gốc nằm trong Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2023 có tổng dự toán hơn 21.479 tỷ đồng, chia thành 4 gói thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Kể từ khi hình thức đàm phán giá được đưa vào Luật Đấu thầu năm 2013, đến nay, Bộ Y tế đã giao cho Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức thành công 3 lần đàm phán giá. Lần thứ nhất vào năm 2018 với 4 gói thầu, tổng dự toán hơn 2.595 tỷ đồng. Tiếp đó, vào năm 2020, Trung tâm đã tổ chức đàm phán giá thành công 4 gói thầu với tổng dự toán là 1.775,255 tỷ đồng.

Gần đây nhất là năm 2021 tổ chức đàm phán giá 7 gói thầu với tổng dự toán hơn 15.192 tỷ đồng. Do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có tác động của đại dịch Covid-19, thời gian tổ chức đàm phán giá lần này bị kéo dài hơn so với kế hoạch. Trong đó, 4 thuốc phải huỷ thầu vì không có nhà thầu trúng thầu, 1 thuốc đàm phán không thành công, 64 thuốc đàm phán giá thành công.

Theo đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, giá trị giảm giá qua đàm phán giá lần thứ ba (năm 2021) đạt khoảng 14,8% (giảm gần 2.000 tỷ đồng so với tổng dự toán). Dự kiến đến cuối năm 2024, đầu năm 2025, thỏa thuận khung đối với 64 thuốc biệt dược gốc nêu trên sẽ hết hiệu lực.

Để tiếp tục gối đầu cho kế hoạch sử dụng thuốc trong thời gian tới, Bộ Y tế đang phát hành hồ sơ yêu cầu để mời các nhà thầu tham gia đàm phán giá 4 gói thầu thuộc Dự toán Cung cấp thuốc biệt dược gốc nằm trong Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2023 có tổng dự toán hơn 21.479 tỷ đồng.

Cụ thể, Gói thầu số 1 Cung cấp một số biệt dược gốc điều trị bệnh tim mạch và tiểu đường (ĐPG.BDG.01.2023) với 32 phần/lô (mặt hàng) có giá 5.644,4 tỷ đồng. Gói thầu số 2 Cung cấp một số biệt dược gốc liên quan đến điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch (ĐPG.BDG.02.2023) với 21 phần/lô có giá 6.709,9 tỷ đồng. Gói thầu số 3 Cung cấp một số biệt dược gốc chống nhiễm khuẩn, chống nấm, các thuốc tác dụng trên đường hô hấp, các thuốc hormon thượng thận và những chất tổng hợp thay thế (ĐPG.BDG.03.2023) với 18 phần/lô có giá 5.270,6 tỷ đồng. Gói thầu số 4 Cung cấp một số biệt dược gốc thuộc các nhóm điều trị khác (ĐPG.BDG.04.2023) với 15 phần/lô có giá hơn 3.854,3 tỷ đồng.

Dự kiến, thời điểm đóng thầu của 4 gói thầu trên là ngày 18/1/2024. Thời gian thực hiện hợp đồng không vượt quá 36 tháng (thời gian thoả thuận khung).

Đại diện một nhà thầu chuyên cung cấp biệt dược gốc nhiều năm nay cho rằng, Bộ Y tế nên tiếp tục mở rộng danh mục thuốc mua sắm tập trung theo hình thức đàm phán giá vì đàm phán giá thuốc biệt dược gốc có nhiều điểm ưu việt so với những hình thức lựa chọn nhà thầu khác.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương và cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc mua sắm biệt dược gốc vì không có nhà thầu tham dự. Ở chiều ngược lại, các nhà thầu chuyên cung ứng biệt dược gốc cũng không mấy mặn mà với các gói thầu đơn lẻ vì số lượng sử dụng ít, lợi nhuận mang lại không bõ công và chi phí vận chuyển, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Một ví dụ điển hình được nhiều nhà thầu dẫn chứng là giá trị trúng thầu chỉ 3 - 4 triệu đồng nhưng để vận chuyển đến huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nhà thầu phải bỏ ra chi phí hơn con số đó rất nhiều…

Để rút ngắn thời gian, chi phí và thủ tục hành chính trong đàm phán giá, một số ý kiến đề xuất, Bộ Y tế nên làm đầu mối mua sắm tập trung biệt dược gốc cũng như các thuốc hiếm, thuốc có số lượng sử dụng ít nhưng thiết yếu. Việc sử dụng biệt dược gốc nên tập trung ở tuyến cuối, bởi thuốc đặc hiệu luôn đòi hỏi năng lực chẩn trị của đội ngũ y bác sĩ, tránh tình trạng lạm dụng biệt dược gốc.

Mặt khác, theo một số nhà thầu và nhà sản xuất từng có thuốc tham dự thầu, đàm phán giá là một hình thức lựa chọn nhà thầu có quy trình phức tạp. Để tránh kéo dài thời gian như những gói thầu năm 2021 (1,5 năm mới hoàn thành), bên cạnh yêu cầu trình độ chuyên môn dược và kỹ năng đàm phán, cần có nguyên tắc đàm phán giá thống nhất từ tham khảo giá, thẩm định giá…

Tin cùng chuyên mục