Đằng sau việc hủy thầu tùy tiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, thời gian qua, nhiều gói thầu bị hủy thầu với lý do “tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu”. Nhưng thực sự, có phải tất cả gói thầu này bị hủy đều do hồ sơ dự thầu (HSDT) hay không? Tại sao có những quyết định hủy thầu bị các nhà thầu phản ứng quyết liệt?
Tình trạng viện dẫn lý do “tất cả các HSDT không đáp ứng” để hủy thầu từng xảy ra tại nhiều gói thầu xây lắp lớn tại Long An, Đồng Nai, TP.HCM…Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên
Tình trạng viện dẫn lý do “tất cả các HSDT không đáp ứng” để hủy thầu từng xảy ra tại nhiều gói thầu xây lắp lớn tại Long An, Đồng Nai, TP.HCM…Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên

Gói thầu số 01 Thi công sửa chữa, nâng cấp hàng rào Trạm Y tế xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) do Công ty TNHH Xây dựng 412 làm bên mời thầu (BMT) vừa công bố hủy thầu. Lý do hủy thầu được nêu vắn tắt là HSDT không đáp ứng. Tuy nhiên, tại quyết định hủy thầu đính kèm, lý do lại là “do trong quá trình đăng tải BMT có sự nhầm lẫn địa điểm thực hiện gói thầu là Hà Nội”.

Một gói thầu mua sắm hàng hóa hơn 45 tỷ đồng tại TP.HCM cũng hủy thầu trong tháng 8 vừa qua với lý do “tất cả các HSDT không đáp ứng yêu cầu”. Thực tế, tìm hiểu của Báo Đấu thầu cho thấy, lý do của việc hủy thầu này là gói thầu có dự toán phê duyệt quá cao, yêu cầu kỹ thuật của thiết bị chưa chứng minh được tính tương đương với kinh phí.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, hiện nay, nhiều BMT khi công bố hủy thầu luôn lấy lý do “HSDT không đáp ứng”, dù thực tế hoàn toàn không phải vậy. “Hồ sơ mời thầu (HSMT) do BMT phát hành có nhiều nội dung không phù hợp với quy định pháp luật, dẫn tới kiến nghị của nhà thầu. Từ đó, BMT quyết định hủy thầu để điều chỉnh HSMT, phát hành lại. Tuy nhiên, khi công bố lý do hủy thầu, BMT lấy nhà thầu ra để làm “bia”, cho rằng không có nhà thầu nào đáp ứng”, một nhà thầu cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều gói thầu xây lắp, hàng hóa có giá trị lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu cũng bị hủy… vô cớ. “Trong quá trình đánh giá HSDT, BMT thấy khó khăn để đi đến quyết định nhà thầu trúng thầu do các nhà thầu thực sự cạnh tranh. Quá trình làm rõ cũng kỹ càng tới từng chi tiết trong HSDT nhưng không thể tìm được điểm trừ nào đối với nhà thầu lạ, BMT quyết định… hủy thầu. Tại trường hợp này, BMT tiếp tục lấy lý do “tất cả các HSDT không đáp ứng” vì không thể tìm được lý do chính đáng nào khác để hủy thầu”, một nhà thầu xây lắp tại TP.HCM cho biết. Đó là lý do nhiều gói thầu vấp kiến nghị dữ dội của nhiều nhà thầu ngay khi công bố quyết định hủy thầu. Bởi, nếu đánh giá khách quan, đúng quy định thì chắc chắn nhà thầu cạnh tranh bằng năng lực, tài chính sẽ có khả năng trúng thầu. Nhà thầu được “nhắm” từ trước sẽ bị loại. Do đó, BMT chấp nhận… xóa cờ đi lại từ đầu.

Tình trạng viện dẫn lý do “tất cả các HSDT không đáp ứng” để hủy thầu từng xảy ra tại nhiều gói thầu xây lắp lớn tại Long An, Đồng Nai, TP.HCM… và dẫn tới kiến nghị kéo dài, phức tạp.

Chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết, pháp luật về đấu thầu quy định rất chặt chẽ, chi tiết các trường hợp nào mới được hủy thầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do năng lực của các BMT, chủ đầu tư (CĐT), thậm chí cả tư vấn đấu thầu chưa đồng đều, dẫn tới rất nhiều gói thầu buộc phải hủy vì lý do không phù hợp quy định. Điều đáng nói là nhiều trường hợp hủy thầu không xác đáng, không đúng quy định, hoặc cố tình hủy thầu chưa được xử lý nghiêm, thiếu sự quyết liệt của cơ quan kiểm tra, giám sát cũng như người có trách nhiệm. Rất hiếm những kiến nghị của nhà thầu liên quan đến quyết định hủy thầu được xử lý đúng quy định, dẫn tới sự bức xúc của nhà thầu. Cần có biện pháp răn đe với các CĐT, BMT tùy tiện hủy thầu.

Điều 17 Luật Đấu thầu quy định các trường hợp hủy thầu gồm: (1) tất cả HSDT, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT, hồ sơ yêu cầu; (2) thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, hồ sơ yêu cầu; (3) HSMT, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; (4) có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Điều 18 Luật Đấu thầu quy định: tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 của Luật này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục