Đấu thầu để nâng cao hiệu quả phát triển điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi tới kinh tế trong nước, khiến nhu cầu tiêu thụ điện năm 2020 giảm. Trong khi đó, việc bùng nổ các dự án nguồn điện mặt trời (ĐMT) thời gian qua đã dẫn đến tình trạng thừa điện… Để tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư và vận hành hệ thống điện ổn định, chất lượng, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐMT được xem là cần thiết.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Yêu cầu rà soát phát triển ĐMT

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm trong năm 2020.

Tại một diễn đàn tổ chức vào cuối năm 2020, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, theo Tổng sơ đồ VII, đến năm 2020, Việt Nam có 850 MW ĐMT. “Đến hết năm 2020, chúng ta có khoảng 10.000 MW ĐMT, gấp hơn chục lần về quy hoạch trong Tổng sơ đồ VII. Tất cả các quy hoạch ĐMT đã được phê duyệt và báo cáo đưa vào phê duyệt hiện là 19.230 MW”, ông Hùng nói.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐMT nói riêng nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà còn có cả nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây nhất, một nhà đầu tư Pháp đã mua lại 45% cổ phần tại mỗi Công ty CP Điện gió TNC Quảng Trị 1 và Công ty CP Điện gió TNC Quảng Trị 2, chủ đầu tư 2 dự án nhà máy điện gió (có tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng) ngay sau khi 2 dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tại thời điểm thành lập (tháng 8/2020), cả 2 công ty đều có vốn điều lệ 0,1 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hamek, Đinh Văn Trung, Đoàn Thụy Diệu Phương nắm sở hữu. Hamek thời gian gần đây cũng bắt tay với công ty đến từ Singapore, SGTNDL Renewable Energy Investment Pte., Ltd thành lập nhiều doanh nghiệp để tham gia đầu tư 4 dự án điện tái tạo tại Đăk Lăk.

Các nhà đầu tư đến từ Thái Lan như Super Energy Corporation, Eastern Power Group… cũng rất tích cực gom các dự án điện tái tạo thông qua việc mua lại cổ phần các doanh nghiệp dự án trong nước.

Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính tốt sẽ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành năng lượng, thay vì những nhà đầu tư yếu về năng lực vẫn giành được những dự án quy mô lớn, để rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời. Với mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương dự thảo Cơ chế thí điểm đối với các dự án ĐMT sau năm 2020, sớm trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Ngày 24/2/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập Tổ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ĐMT Việt Nam để thay thế cơ chế giá FIT đã bộc lộ hạn chế. Theo dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án ĐMT sẽ áp dụng với những dự án quy mô lớn. Ngày 3/3/2021, Tổ soạn thảo Quyết định đã họp phiên phiên đầu tiên với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan chuyên môn liên quan.

Nhấn mạnh việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án ĐMT là cần thiết, phù hợp với xu thế thế giới, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh, đấu thầu là hình thức lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án. Qua đấu thầu, sẽ lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực. Đồng thời, đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư và vận hành hệ thống điện ổn định, chất lượng.

Trước đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE Group nhấn mạnh, cơ chế này tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn. “Xây dựng được cơ chế đấu thầu rộng rãi, minh bạch, chúng ta sẽ lựa chọn được những nhà đầu tư thực sự có năng lực”, ông Tín nói.

Dự kiến, ngoài việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án ĐMT, tới đây, cơ chế đấu thầu phát triển các dự án điện tái tạo khác cũng sẽ được nghiên cứu và đề xuất thí điểm.

Tin cùng chuyên mục