Đấu thầu dự án chuyên ngành, xã hội hóa: Địa phương chờ hướng dẫn, nhiều dự án ách tắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thanh Hóa, Gia Lai, Lào Cai, Ninh Bình, Sơn La… đang trông chờ các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa. Các địa phương cho biết, có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu hiện chưa đủ hướng dẫn chuyên ngành, gây khó khăn cho địa phương và giảm tính hấp dẫn của những dự án này.
Năm 2022, tổng số dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về xã hội hóa phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu là 34 dự án với tổng vốn đầu tư 26.394 tỷ đồng. Ảnh: Minh Lương
Năm 2022, tổng số dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về xã hội hóa phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu là 34 dự án với tổng vốn đầu tư 26.394 tỷ đồng. Ảnh: Minh Lương

Lượng dự án tăng, hướng dẫn vẫn thiếu

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2022, tổng số dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về xã hội hóa phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu là 34 dự án với tổng vốn đầu tư 26.394 tỷ đồng, tăng gấp đôi về số dự án so với năm 2021 (16 dự án).

Bộ KH&ĐT thống kê, việc tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực nhà ở xã hội được triển khai nhiều nhất với 18 dự án; tiếp đó là lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp thoát nước, năng lượng tái tạo… Sau khi công bố danh mục dự án theo quy định, có tổng số 40 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký, đạt tỷ lệ 1,18 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 1 dự án, trong đó có 31 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.

Nhiều địa phương cho biết, số lượng nhà đầu tư quan tâm đến các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đến nay vẫn thiếu những hướng dẫn chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư, gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục do phải có văn bản hỏi các bộ chuyên ngành. Đơn cử dự án điện LNG, cảng tổng hợp, các dự án bệnh viện, xử lý rác thải, nếu áp tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ không phù hợp, rất khó xây dựng tiêu chí.

Sở KH&ĐT Thanh Hóa cho biết, nhiều dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực rác thải, nước sinh hoạt… được quan tâm, cần lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai do các bộ, ngành chưa hướng dẫn cụ thể. Sở KH&ĐT Quảng Nam thì cho biết, các dự án phải tổ chức đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa hiện nay phải vận dụng mẫu hồ sơ đấu thầu của dự án đầu tư có sử dụng đất mà chưa có mẫu riêng, gây khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Sở KH&ĐT Gia Lai đề nghị các bộ, ngành sớm ban hành văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa như các dự án năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ; phát triển, quản lý chợ và dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có) của Bộ Công Thương.

Các sở KH&ĐT Lào Cai, Ninh Bình, Sơn La cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu đối với các dự án này.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ rất quan tâm đến các dự án sân golf, giáo dục, xử lý rác thải, nước thải, chợ…, nhưng các yêu cầu, tiêu chí đưa ra khi lựa chọn nhà đầu tư lại đang áp dụng máy móc theo những tiêu chí chủ yếu áp dụng cho dự án đô thị và nhà ở, khiến họ khó tham gia dù có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực này. Vì thế, rất cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án chuyên ngành.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án y tế, giáo dục,nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp thoát nước, năng lượng tái tạo… Ảnh: Song Lê

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án y tế, giáo dục,nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp thoát nước, năng lượng tái tạo… Ảnh: Song Lê

Khẩn trương lấp khoảng trống chính sách

Trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đánh giá, quy định với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa chưa được ban hành kịp thời.

Theo Điều 16 Nghị định 25 (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành văn bản hoặc trình Thủ tướng ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa theo nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Để tạo thuận lợi trong công tác lựa chọn nhà đầu tư các dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021, trong đó yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các nội dung khác theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Công Thương hướng dẫn các dự án năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ; phát triển và quản lý chợ và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các dự án xây dựng, kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có). Bộ Xây dựng hướng dẫn các dự án cung cấp nước sạch đô thị và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); Bộ Tài chính hướng dẫn các dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua chó, đua ngựa và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn dự án sản xuất nước sạch nông thôn và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); Bộ KH&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh sân golf…

Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, còn một số bộ, ngành chưa thực hiện nhiệm vụ này, có bộ đã chủ động xây dựng hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án, nhưng nội dung hướng dẫn lại dẫn chiếu áp dụng theo quy định của dự án đầu tư có sử dụng đất mà chưa có phản ánh đặc thù của dự án chuyên ngành, dẫn đến khó khăn trong triển khai trên thực tế. Ví dụ, Thông tư hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp tiêu chuẩn đánh giá HSDT và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay. Thông tư đã được ban hành, nhưng nội dung về giá trị nộp ngân sách nhà nước lại dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Nghị định số 25 và Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

Bộ KH&ĐT kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý ngành khẩn trương, nghiêm túc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án phải đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Trong thời gian văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, yêu cầu các bộ quản lý ngành chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc áp dụng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư khi có yêu cầu cụ thể của địa phương. UBND cấp tỉnh chủ động lập yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với đặc thù của từng dự án, trên cơ sở vận dụng mẫu hồ sơ tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT.

Tin cùng chuyên mục