Đấu thầu gạo dự trữ quốc gia tại Đông Nam Bộ: Hợp đồng bị vô hiệu, nhà thầu kêu cứu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 6 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia kế hoạch năm 2022 của Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Đông Nam Bộ hoàn tất lựa chọn nhà thầu vào đầu tháng 4/2022. Sau khi các nhà thầu hoàn thành việc nhập gạo vào các kho dự trữ, Tổng cục DTNN tuyên bố vô hiệu hợp đồng và yêu cầu hoàn trả gạo do trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ không thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục DTNN.
6 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ mời thầu có tổng giá gói thầu hơn 74,4 tỷ đồng. Ảnh: Gia Bảo
6 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ mời thầu có tổng giá gói thầu hơn 74,4 tỷ đồng. Ảnh: Gia Bảo

Các gói thầu được đóng thầu vào nửa đầu tháng 3/2022, do Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, tổng giá gói thầu hơn 74,4 tỷ đồng.

Trong đó, Gói thầu số 01, số lượng 1.500 tấn gạo, địa điểm nhập kho tại Chi cục DTNN Bình Dương có giá gói thầu 15,986 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quốc Phát trúng thầu với giá 15,954 tỷ đồng. Nhà thầu này cũng trúng Gói thầu số 02, số lượng 1.000 tấn gạo, địa điểm nhập kho tại Chi cục DTNN Bình Dương với giá 10,395 tỷ đồng (giá gói thầu 10,657 tỷ đồng). Gói thầu số 03, số lượng 1.000 tấn gạo, địa điểm nhập kho tại Chi cục DTNN Bình Dương được trao cho Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang với giá trúng thầu 10,55 tỷ đồng (giá gói thầu 10,657 tỷ đồng). Gói thầu số 04, số lượng 1.500 tấn gạo, địa điểm nhập kho tại Chi cục DTNN Miền Đông do Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang trúng thầu với giá 15,795 tỷ đồng (giá gói thầu 15,907 tỷ đồng). Gói thầu số 05, số lượng 1.000 tấn gạo, địa điểm nhập kho tại Chi cục DTNN Miền Đông thuộc về Công ty TNHH Tự Lực với giá trúng thầu 10,578 tỷ đồng (giá gói thầu 10,605 tỷ đồng). Tại Gói thầu số 06, số lượng 1.000 tấn gạo, địa điểm nhập kho tại Chi cục DTNN Miền Đông, Công ty TNHH Kim Hằng trúng thầu khớp giá gói thầu 10,605 tỷ đồng.

Ngày 4/4/2022, Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu số 01 là 60 ngày, 5 gói thầu còn lại là 30 ngày. Hiện các nhà thầu đã hoàn thành việc cung cấp gạo.

Ngày 29/3/2022, Tổng cục DTNN có Văn bản số 448/TCDT-QLHDT gửi các cục DTNN khu vực hướng dẫn việc đánh giá HSDT liên quan đến nội dung ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2022. Theo đó, đối với các HSDT đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, là hàng hóa sản xuất trong nước, có chi phí sản xuất trong nước từ 25% trở lên sẽ cùng được hưởng ưu đãi như nhau. Gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022 là loại gạo 15% tấm, loại hạt dài, sản xuất mùa vụ Đông Xuân năm 2022 tại Nam Bộ đạt tiêu chuẩn nên không tiến hành đánh giá nội dung ưu đãi này của HSDT.

Ngày 15/9/2022, trao đổi với phóng viên, cán bộ của Tổng cục DTNN cho biết, các cục DTNN khu vực khác đều đánh giá HSDT theo hướng dẫn tại Văn bản số 448/TCDT-QLHDT. Riêng Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ vẫn tiến hành đánh giá HSDT và lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Sau khi ký hợp đồng trọn gói, Chủ đầu tư lại thương thảo, đàm phán với các nhà thầu thực hiện làm phụ lục hợp đồng giảm giá trị trúng thầu 650 triệu đồng, điều này là không đúng quy định của pháp luật.

Ngày 7/7/2022, Tổng cục DTNN đã có văn bản tuyên bố vô hiệu các quyết định của Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ, vô hiệu hợp đồng đã ký với nhà thầu và yêu cầu hoàn trả gạo. Theo cán bộ của Tổng cục DTNN, việc hủy thầu này không xuất phát từ lỗi của nhà thầu nên sau khi hoàn trả gạo, Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ phải bồi thường thiệt hại cho các nhà thầu.

Còn cán bộ của Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ khẳng định, việc đánh giá HSDT, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng của Chủ đầu tư tại 6 gói thầu cung cấp gạo nói trên đều tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu.

Sau khi bị Tổng cục DTNN tuyên bố vô hiệu hợp đồng và yêu cầu hoàn trả gạo, các nhà thầu đã 4 lần có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết sự việc. Sau gần 5 tháng hoàn thành việc nhập kho gạo dự trữ quốc gia, nhà thầu mới được thanh toán khoảng 17% giá trị hợp đồng. Phía nhà thầu cho rằng, việc Tổng cục DTNN tuyên bố vô hiệu hợp đồng là can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu của Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia đấu thầu, cấp có thẩm quyền chỉ có thể hủy thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, không có quyền vô hiệu hóa hay hủy bỏ hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hợp đồng cung cấp gạo giữa Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ và nhà thầu trúng thầu là hợp đồng dân sự, không có vai trò và trách nhiệm của cấp có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục