Đấu thầu giặt ủi tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM: Phức tạp chuyện thay thế nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Giặt ủi Xanh phản ánh, quá trình thực hiện hợp đồng cũng như tham dự thầu các gói thầu giặt ủi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phát sinh nhiều bức xúc.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhà thầu bức xúc

Đơn kiến nghị của Công ty TNHH Giặt ủi Xanh phản ánh những bức xúc về việc đánh giá HSDT tại 3 gói thầu giặt ủi (Gói 1 Giặt ủi đồ vải không nhiễm; Gói 2 Giặt ủi đồ vải nhiễm; Gói 3 Giặt ủi đồ vải nhân viên). Nhà thầu này cung cấp dịch vụ giặt ủi cho Bệnh viện trong các năm 2019 - 2020 và tham dự thầu 3 gói thầu nói trên. Tuy nhiên, tại báo cáo đánh giá HSDT, Bên mời thầu (BMT) cho rằng, Nhà thầu không đáp ứng tiêu chí: “Không có hợp đồng bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về chất lượng giặt ủi hay cung cấp dịch vụ”.

Theo Nhà thầu, tính đến thời điểm đóng thầu, Hợp đồng đã ký giữa Bệnh viện và Nhà thầu không thuộc trường hợp bị đánh giá là “không đáp ứng” và Bệnh viện đã khẳng định: “Đơn vị cung cấp đã thực hiện cơ bản đầy đủ các hạng mục theo hợp đồng đã thống nhất; sẵn sàng hợp tác với Bệnh viện khi có yêu cầu”.

Văn bản liên quan đến chất lượng dịch vụ mà Nhà thầu nhận được trễ 2 tháng, thậm chí là sau thời điểm đóng thầu, dẫn tới quyền lợi hợp pháp của Nhà thầu khi dự thầu bị ảnh hưởng. “Kết luận của Bệnh viện cũng chủ quan, thiếu căn cứ pháp lý. Do đó, Công ty đã có văn bản không đồng ý kết luận này”, đại diện Nhà thầu cho biết.

Hồ sơ mời thầu (HSMT) cả 3 gói thầu nói trên quy định: “Hợp đồng không hoàn thành là hợp đồng bị chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành và nhà thầu không phản đối; hợp đồng bị chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành, không được nhà thầu chấp thuận nhưng đã được trọng tài hoặc tòa án kết luận theo hướng bất lợi cho nhà thầu”.

Từ những căn cứ trên, Nhà thầu khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, không có một văn bản phạt hợp đồng nào, không có một căn cứ pháp lý nào chứng minh chúng tôi không đáp ứng hợp đồng”.

Bên cạnh đó, Nhà thầu còn cho rằng, theo HSMT, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và May thêu Tân Tiến (Công ty Tân Tiến) không thể đáp ứng yêu cầu do hồ sơ về giấy phép khai thác nước nguồn lẫn xả thải đều không đạt.

Các bên liên quan nói gì?

Báo Đấu thầu đã có buổi làm việc với đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để tìm câu trả lời cho những kiến nghị nêu trên. Theo BMT, giữa Bệnh viện và Nhà thầu đã có quá trình làm việc, ký kết hợp đồng trên 3 năm để thực hiện dịch vụ giặt ủi. BMT cho biết: “Hợp đồng quy định việc phạt là 70% giá trị mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, do đặc thù của dịch vụ giặt ủi này là mỗi sản phẩm có giá trị rất thấp nên BMT đã không thực hiện. Về chất lượng dịch vụ, hai bên có chốt số lượng hàng ngày thông qua kiểm đếm, chốt số liệu cuối mỗi tháng. Các biên bản ghi nhận sự việc đều cho thấy chất lượng dịch vụ của Công ty là không đảm bảo”.

Thời điểm phát hành HSMT hai gói thầu (Gói 1 và Gói 2) là từ ngày 22/5 đến ngày 2/6/2020. Trong khi đó, Công văn số 344 (ký ngày 13/3/2020) về việc đánh giá chất lượng dịch vụ giặt ủi có kết luận chất lượng dịch vụ của Nhà thầu trong các năm 2019 - 2020 là không đáp ứng yêu cầu của Bệnh viện, nhưng đến tận ngày 12/5/2020 (sau 59 ngày) Nhà thầu mới nhận được. Việc Nhà thầu nhận văn bản vào thời điểm chuẩn bị dự thầu các gói thầu của năm 2020 - 2021 đã dẫn tới thay đổi toàn bộ cục diện đấu thầu sau đó. Trả lời câu hỏi của Báo Đấu thầu về việc chậm trễ này, Bệnh viện cho rằng: “Có thể do trục trặc, bộ phận văn thư gửi chậm”.

Liên quan đến kết quả khảo sát ngày 12/6/2020 của toàn thể nhân viên Bệnh viện về chất lượng dịch vụ giặt ủi của Công ty TNHH Giặt ủi Xanh cho thấy, nhà thầu này không đáp ứng yêu cầu của Bệnh viện, BMT thừa nhận: “Đúng là thực hiện sau thời điểm đóng thầu, không thể căn cứ để đánh giá HSDT của Nhà thầu. Tuy nhiên, là do Bệnh viện muốn hoàn thiện những căn cứ để đánh giá toàn bộ chất lượng dịch vụ của Công ty Giặt ủi Xanh không đáp ứng yêu cầu mà thôi”.

Cũng theo BMT, HSDT của Công ty Tân Tiến đáp ứng các tiêu chí của HSMT. “BMT có biết việc giấy phép xả thải cũng như sử dụng nước dưới đất của Công ty Tân Tiến chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2020, trong khi các hợp đồng kéo dài đến tháng 7/2021. Tuy nhiên, trước thời điểm này, chúng tôi sẽ yêu cầu Công ty Tân Tiến hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường để tiếp tục thực hiện hợp đồng”.

BMT cũng khẳng định, do những bất đồng trong quản lý hợp đồng đã dẫn tới việc khó có thể tiếp tục đồng hành, Bệnh viện đã trình Bộ Y tế kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các hợp đồng năm 2020 - 2021 theo hướng chia 1 gói thầu (như trước đây) vốn yêu cầu quá cao, khó có nhà thầu đáp ứng thành 3 gói thầu để thêm lựa chọn. Sau quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu với nhiều “lình xình”, BMT đã công bố KQLCNT cả 3 gói. Theo đó, cả 3 gói thầu với tổng trị giá 15,2 tỷ đồng đều thuộc về Công ty CP Đầu tư xây dựng và May thêu Tân Tiến với giá trúng thầu sát giá gói thầu.

Ngày 31/8/2020, trao đổi với Báo Đấu thầu, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: “Giấy phép xả thải của Công ty Tân Tiến được gia hạn 6 tháng, kể từ 3/7/2020 đến 31/12/2020. Sau thời điểm này, Công ty Tân Tiến phải thực hiện các thủ tục như đã cam kết: “Nếu thủ tục pháp lý tại cơ sở mới hoàn thành sớm hơn thì Công ty sẽ di dời, thực hiện trám lấp giếng khoan”.

Tin cùng chuyên mục