Gói thầu mua sắm thang máy vận chuyển bệnh nhân, khách hàng và tải hàng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Ảnh: V.L |
Chưa khách quan và nhiều sai sót?
Ngày 14/7/2017, Sở Y tế Vĩnh Long công bố KQLCNT gói thầu nêu trên. Theo đó, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy Thăng Long (Nhà thầu Thăng Long) với giá trúng thầu là 22,988 tỷ đồng.
Trong số các nhà thầu không trúng thầu, Liên danh Công ty TNHH Kỹ nghệ Toàn Tâm - Công ty TNHH Thang máy Misubishi Việt Nam (Liên danh Toàn Tâm - Misubishi Việt Nam) bị loại vì sau khi làm rõ nội dung Thang P13, nhà thầu vẫn bảo lưu ý kiến lắp thang lệch về 1 phía trong khi HSMT yêu cầu lắp chính giữa hố thang. Công ty TNHH Sinh Tài (Nhà thầu Sinh Tài) bị loại vì qua xác định giá đánh giá, nhà thầu xếp hạng thứ hai.
Ngay khi nhận được KQLCNT này, Nhà thầu Sinh Tài đã có đơn kiến nghị gửi Báo Đấu thầu. Ông Nguyễn Hữu Triều, Giám đốc Công ty TNHH Sinh Tài nhận định: “Gói thầu được chấm chưa khách quan và có nhiều sai sót. Chúng tôi không chấp nhận KQLCNT mà Sở Y tế Vĩnh Long công bố”.
Đơn kiến nghị của Nhà thầu Sinh Tài nêu nhiều điểm bất hợp lý trong việc đánh giá HSDT của Gói thầu. Đầu tiên, nhà thầu này nhận xét, theo tất cả các tài liệu đã cung cấp để làm rõ thương hiệu thang máy MP_LIFTS mà nhà thầu này chào trong HSDT là thương hiệu thang máy đã được bảo hộ theo luật pháp Đức và được sở hữu bởi Tập đoàn MAC GRUPPE GmbH của Đức. “Do đó, thang máy chúng tôi dự thầu là thương hiệu thang máy thuộc G7. Vì vậy, hệ số để tính giá đánh giá sẽ được áp dụng theo hệ số của thang máy G7, được sản xuất tại châu Âu. Với cách tính này, chúng tôi không thể xếp ở vị trí thứ hai như trong thông báo”, Nhà thầu Sinh Tài cho biết.
Ngoài ra, văn bản gửi Sở Y tế Vĩnh Long ngày 18/7/2017 của Nhà thầu Sinh Tài còn nêu: “Trong hồ sơ tài chính mà chúng tôi đã tham dự đã phân tích phần thiết bị nhập khẩu và phần nội địa hóa theo quy định hiện hành. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của HSMT cho phần tỷ lệ nội địa hóa đã đạt được”.
Trước đó, giữa Sở Y tế Vĩnh Long và Nhà thầu Sinh Tài đã có quá trình làm rõ HSDT với nhiều nội dung, trong đó có việc xác định thương hiệu, xuất xứ của thang máy mà Nhà thầu Sinh Tài chào. Theo Nhà thầu Sinh Tài, nhà thầu này đã cung cấp đầy đủ tài liệu để chứng minh MP_LIFTS là thương hiệu thang máy sản xuất tại Đức như giấy chứng nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Stuttgart (Đức), Thư xác nhận của Tập đoàn MAC (Đức)...
Có bên “bênh” bên “gạt”?
Một nội dung nữa mà Nhà thầu Sinh Tài nhấn mạnh là hai đơn vị cùng chào 1 hàng hóa, 1 xuất xứ, 1 thương hiệu, 1 chủng loại, 1 thông số kỹ thuật là Nhà thầu Thăng Long và Liên danh Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam, nhưng Chủ đầu tư đã có sự đánh giá thiếu khách quan, minh bạch giữa hai đơn vị này.
Cụ thể, thành viên Mitsubishi Việt Nam trực thuộc Tập đoàn công ty mẹ Mitsubishi còn Nhà thầu Thăng Long chỉ là đại lý. Xét về các điều kiện chuyển giao công nghệ lắp đặt, vận hành, bảo hành, bảo trì, phụ tùng, hậu cần… thì Mitsubishi Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các đại lý. Tuy nhiên, vì Mitsubishi đã bảo lưu quan điểm về việc thang P13 (thang tải hàng) Mitsubishi theo tiêu chuẩn chính hãng chỉ lắp lệch về một phía không thể lắp chính giữa hố thang như trong HSMT nên đã bị đánh trượt.
Câu hỏi mà Nhà thầu Sinh Tài đặt ra là, nếu đại diện Mitsubishi tại Việt Nam đã bảo lưu quan điểm về lắp lệch, không thể lắp chính giữa thì có hay không Nhà thầu Thăng Long đã làm khác đi kết cấu của hãng sản xuất để vừa với HSMT? Việc thay đổi kết cấu nguyên bản của nhà sản xuất bị các nhà thầu quan ngại sẽ giảm tuổi thọ, dễ xảy ra sự cố vì không tuân thủ theo khuyến nghị của nhà sản xuất dẫn đến không an toàn khi sử dụng. Hoặc trong trường hợp này, Nhà thầu Thăng Long cố tình chào để đáp ứng yêu cầu của HSMT nhưng sau đó lại thi công khác với HSDT?
Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với chủ đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về gói thầu này.