Đấu thầu tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM): Vấp kiến nghị vì áp sai tiêu chí uy tín nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đang trong quá trình mời thầu Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện khu vực tòa nhà Trạng Nguyên, Cát Tường và Bách Hợp năm 2024 - 2025. Tại hồ sơ mời thầu (HSMT), yêu cầu về hợp đồng tương tự bị các nhà thầu phản ứng với lý do không phù hợp, dẫn tới khó khăn cho nhà thầu ở khâu dự thầu.
Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện khu vực tòa nhà Trạng Nguyên, Cát Tường và Bách Hợp năm 2024 - 2025 có giá dự toán hơn 16 tỷ đồng. Ảnh: SL
Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện khu vực tòa nhà Trạng Nguyên, Cát Tường và Bách Hợp năm 2024 - 2025 có giá dự toán hơn 16 tỷ đồng. Ảnh: SL

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 16,055 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 26/3 đến ngày 13/4/2024.

Ngay khi HSMT được đăng tải, nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ tiêu chí liên quan đến uy tín nhà thầu. Cụ thể, mục 9 Kết quả thực hiện hợp đồng tương tự trước đó của nhà thầu tại HSMT yêu cầu: “Chưa từng từ chối thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện hợp đồng tương tự trước đó hoặc có quyết định trúng thầu nhưng nhà thầu không còn đạt yêu cầu năng lực kinh nghiệm để hoàn thiện thực hiện hợp đồng”. Nhà thầu cho rằng, tiêu chí “có quyết định trúng thầu nhưng nhà thầu không còn đạt yêu cầu năng lực kinh nghiệm để hoàn thiện thực hiện hợp đồng” là không phù hợp. Đối chiếu với Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, tiêu chí này không nằm trong hướng dẫn đánh giá uy tín của nhà thầu. Đồng thời, Điều 43 Thương thảo hợp đồng tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP cũng không đề cập nội dung này.

“Bên mời thầu lấy quy định từ đâu để đưa vào HSMT, hay đây chỉ là một quy định nhằm hạn chế sự tham gia của một nhà thầu nào đó?”, nhà thầu đặt câu hỏi.

Ngày 9/4/2024, Bệnh viện Hùng Vương đã có văn bản trả lời làm rõ HSMT. Theo Bệnh viện Hùng Vương, tiêu chí trên được xây dựng theo Mẫu số 12 (Thư chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng) tại Chương VIII Mẫu số 05-HSMT kèm theo Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT. Theo đó, “nhà thầu phải cam kết năng lực hiện tại của nhà thầu vẫn đáp ứng yêu cầu của HSMT. Chủ đầu tư sẽ từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu trong trường hợp phát hiện năng lực hiện tại của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu”. Đồng thời, điểm 36.2 khoản 36 Chương I Chỉ dẫn nhà thầu có quy định: “Trường hợp nhà thầu không còn đáp ứng cơ bản yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định nêu trong HSMT thì chủ đầu tư sẽ từ chối ký kết hợp đồng với nhà thầu”. Do đó, Bệnh viện Hùng Vương khẳng định, tiêu chí trên là phù hợp và không làm hạn chế nhà thầu có đủ năng lực thực hiện Gói thầu.

Tuy nhiên, nội dung trả lời này của Bệnh viện Hùng Vương tiếp tục vấp phải phản ứng của nhà thầu. Ngày 11/4/2024, nhà thầu có văn bản kiến nghị về HSMT. Theo kiến nghị, Mẫu số 12 Thư chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng là việc nhà thầu cam kết trong thư về năng lực thực hiện hợp đồng. Còn điểm 36.3 khoản 36 Chương I Chỉ dẫn nhà thầu thì liên quan trực tiếp đến các điều kiện để ký kết hợp đồng. “Các quy định trên là về mẫu thư trao hợp đồng, điều kiện để ký kết hợp đồng, hoàn toàn không phải là điều kiện để đánh giá uy tín, kết quả thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu”, nhà thầu lập luận.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp cho các bệnh viện trên cả nước có chung quan điểm với nhà thầu kiến nghị. “Bên mời thầu không thể dùng hướng dẫn trong biểu mẫu, nội dung cam kết của nhà thầu trước khi trao hợp đồng để đánh giá uy tín trong việc thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu. Đây là 2 dấu mốc hoàn toàn khác nhau. Nếu không điều chỉnh tiêu chí này, HSMT có thể dẫn tới khó khăn cho nhà thầu khi dự thầu”, một nhà thầu cho biết.

Một chuyên gia đấu thầu nhận định, cung cấp dịch vụ cho các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là dịch vụ phi tư vấn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý hợp đồng. Do đó, khi xây dựng HSMT, bên mời thầu cần rà soát kỹ lưỡng quy định hiện hành để đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các nhà thầu đủ năng lực, nhưng không vì thế tự ý điều chỉnh các hướng dẫn của quy định đấu thầu, dẫn tới kiến nghị phức tạp, kéo dài.

Tin cùng chuyên mục