Khu Quản lý đường bộ I vừa phê duyệt KQLCNT Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Sửa chữa cầu Non Nước Km135+905 Quốc lộ 10, tỉnh Ninh Bình. . Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu có giá 13,172 tỷ đồng (tổng mức đầu tư của Dự án là 14,971 tỷ đồng), được đấu thầu rộng rãi qua mạng từ ngày 14 - 24/8/2023, do Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1 làm Bên mời thầu.
Ngày 25/9/2023, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tín Thịnh - Công ty CP CK4 Thăng Long được phê duyệt trúng thầu với giá 11,195 tỷ đồng, thời gian thực hiện 120 ngày, loại hợp đồng trọn gói.
Trong số 2 nhà thầu tham dự còn lại, Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam sớm bị loại do đề xuất bảo lãnh dự thầu không hợp lệ. Công ty CP SBTECH bị loại tại bước đánh giá tài chính do đề xuất giá dự thầu 11,582 tỷ đồng.
Không đồng tình với kết quả trên, Công ty CP SBTECH có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư đề nghị xem xét, đánh giá lại HSDT. Theo đơn kiến nghị, căn cứ báo cáo đánh giá HSDT được Bên mời thầu công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nội dung báo cáo thể hiện trong quá trình đánh giá, nhận thấy HSDT của Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tín Thịnh - Công ty CP CK4 Thăng Long có thuyết minh về tổ chức mặt bằng công trường, bố trí lán trại, phòng thí nghiệm, kho bãi vật liệu, chất thải, rào chắn, biển báo...; công tác cấp nguồn điện, nước, nhưng chưa có bản vẽ thể hiện, Tổ chuyên gia đã gửi văn bản đề nghị Liên danh bổ sung 15 bản vẽ minh họa để làm rõ hơn đối với thuyết minh biện pháp thi công. Trong khi đó, theo quy định tại hồ sơ mời thầu (HSMT), nội dung Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật - Tổ chức mặt bằng công trường có yêu cầu: “Nhà thầu được đánh giá là đạt khi có bản vẽ thể hiện mặt bằng bố trí công trường phù hợp với tổ chức thi công gói thầu (bao gồm: nhà điều hành, lán trại, vị trí đặt trạm trộn, cơ sở thí nghiệm, bãi chứa các loại vật liệu, cấu kiện, đường công vụ vận chuyển nội bộ...) thông qua bản vẽ đính kèm. Trường hợp không có bản vẽ, bị đánh giá không đạt”.
Công ty CP SBTECH cho rằng, đối chiếu tiêu chí đánh giá đạt/không đạt như tại HSMT, thì sai sót của Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tín Thịnh - Công ty CP CK4 Thăng Long không thuộc trường hợp được làm rõ HSDT. Do đó, việc Bên mời thầu cho phép Nhà thầu bổ sung bản vẽ thiết kế là sai nguyên tắc, làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT, thay đổi cục diện cuộc thầu.
Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về kiến nghị nêu trên, ông Đinh Công Vương, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1 cho biết, tại HSDT, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tín Thịnh - Công ty CP CK4 Thăng Long có thuyết minh đầy đủ về tổ chức thực hiện các công việc thuộc phạm vi mời thầu, nhưng sơ suất không đính kèm bản vẽ. Xét thấy đây không phải là sai sót nghiêm trọng bởi những nội dung yêu cầu chính Liên danh đều đã đáp ứng, đồng thời, Nhà thầu đề xuất giá dự thầu cạnh tranh nhất, Bên mời thầu đã cho phép Nhà thầu làm rõ HSDT. “Việc làm rõ là đúng quy định và không làm thay đổi bản chất HSDT đã nộp”, ông Vương khẳng định.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, pháp luật đấu thầu hiện hành không quy định khái niệm thế nào là làm rõ HSDT, mà chỉ xây dựng nguyên tắc làm rõ HSDT tại Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, theo đó, cho phép nhà thầu làm rõ tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp. “Đối với gói thầu đang xét, việc Bên mời thầu yêu cầu Nhà thầu cung cấp các bản vẽ kỹ thuật còn thiếu để hoàn thiện HSDT không phải “làm rõ”, mà là cho phép Nhà thầu “bổ sung” HSDT, khiến HSDT không đạt thành đạt. Như vậy, hành vi này đã làm thay đổi bản chất HSDT, ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh giữa các nhà thầu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.