Dự án Cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2020 có giá dự toán hơn 1.775 tỷ đồng, gồm 4 gói thầu. Ảnh: Song Lê |
Theo một cán bộ của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đây là lần thứ hai Trung tâm tổ chức đàm phán giá đối với thuốc biệt dược gốc. Dự án Cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2020 của Trung tâm có giá dự toán hơn 1.775 tỷ đồng, được chia thành 4 gói thầu và bắt đầu tổ chức LCNT vào quý IV/2020. Danh sách nhà thầu và thuốc đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật được Giám đốc Trung tâm phê duyệt vào đầu tháng 12/2020. Kết quả LCNT được phê duyệt ngày 6/6/2021.
Theo đó, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 trúng 3 gói thầu (số 2, 3 và 4) với tổng giá 1.249,9 tỷ đồng. Trong đó, giá trúng thầu tại Gói thầu số 2 Cung cấp thuốc biệt dược gốc Tienam (Imipenam + Cilastatin 500mg + 500mg) hoặc tương đương điều trị thuộc Danh mục đàm phán giá cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2021 - 2022 là 670,5 tỷ đồng (giá gói thầu là 807,832 tỷ đồng).
Giá trúng thầu tại Gói thầu số 3 Cung cấp thuốc biệt dược gốc Mabthera (Rituximab 500mg) hoặc tương đương điều trị thuộc Danh mục đàm phán giá cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2021 - 2022 là 378,728 tỷ đồng (giá gói thầu là 491,855 tỷ đồng).
Giá trúng thầu tại Gói thầu số 4 Cung cấp thuốc biệt dược gốc Nexavar (Sorafenib 200mg) hoặc tương đương điều trị thuộc Danh mục đàm phán giá cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2021 - 2022 là 200,72 tỷ đồng (giá gói thầu là 218,174 tỷ đồng).
Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội trúng Gói thầu số 1 Cung cấp thuốc biệt dược gốc Cerebrolysin hoặc tương đương điều trị thuộc Danh mục đàm phán giá cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2021 - 2022. Giá trúng thầu là 242,768 tỷ đồng (giá gói thầu là 257,392 tỷ đồng).
Cán bộ thuộc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, sau khi mở Gói thầu số 4 (mở thầu ngày 25/11/2020), Tổ chuyên gia phát hiện tên hoạt chất của thuốc trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu (thuốc biệt dược gốc Nexavar, hoạt chất Sorafenib 200mg) có điểm khác với tên trong kế hoạch LCNT do Bộ Y tế phê duyệt (thuốc biệt dược gốc Nexavar, hoạt chất Sorafenib Tosylate 200mg).
Đánh giá về sự khác nhau này, Cục Quản lý dược xác định tên hoạt chất của thuốc trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu là đúng theo quyết định của Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành (năm 2020), còn tên trong kế hoạch LCNT chưa chính xác do sơ suất ghi thiếu thông tin, lỗi chính tả. Thực tế, tên hoạt chất trong kế hoạch LCNT và tên hoạt chất trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu chỉ là cho 1 loại thuốc. Trong trường hợp này, việc có lỗi chính tả trong tên hoạt chất của thuốc trong kế hoạch LCNT (dẫn đến ghi sai tên hoạt chất của thuốc trong hồ sơ yêu cầu) là lỗi của cơ quan lập kế hoạch LCNT.
Cho ý kiến về trường hợp này, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sai sót nêu trên được phát hiện sau khi mở thầu, để bảo đảm quyền lợi cho nhà thầu, có thể coi đây là tình huống phát sinh trong đấu thầu. Theo quy định tại Khoản 15 Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Bộ Y tế có thể xem xét, xử lý tình huống trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cán bộ của BMT cho biết, Bộ Y tế đã quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu theo hướng tiếp tục đánh giá hồ sơ đề xuất, đàm phán với nhà thầu và điều chỉnh tên hoạt chất của thuốc trong kế hoạch LCNT đã ban hành cho phù hợp.