TP.HCM thí điểm đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ năm 2008. Ảnh: Huyền Trang |
Với tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách 15%/năm, TP.HCM cho biết, sẽ triển khai những gói thầu tương tự ở các quận/huyện trong thời gian tới để phát huy vai trò của đấu thấu.
Đường rác: Cuộc phân chia ngầm khốc liệt
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, hiện Thành phố đang tồn tại hai hình thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn: dân lập và công lập. Theo kết quả khảo sát, có 26/74 ý kiến trả lời phường/xã trực tiếp ký hợp đồng với chủ nguồn thải (chiếm 35,1%), 42 phường/xã giao cho người thu gom trực tiếp ký hợp đồng (chiếm 56,8%), có 3 phường/xã do ấp, tổ ký hợp đồng (chiếm 4,1%), 3 phường/xã do cả phường/xã và người thu gom ký (4,1%). Thực trạng quản lý này là kết quả của việc triển khai các quy định của Thành phố liên quan đến quản lý lực lượng thu gom rác trong những năm qua. Thống kê của Sở TNMT cho thấy, 60% khối lượng chất thải rắn của TP.HCM do hệ thống thu gom dân lập thực hiện. 40% khối lượng còn lại do các hợp tác xã và công ty dịch vụ công ích đảm nhận. Toàn TP.HCM hiện có hơn 200 xe tải nhỏ, 1.000 xe 3 bánh, 4 bánh tự chế để thu gom chất thải rắn. Có 4.000 người thu gom chất thải rắn dân lập và 1.500 người thu gom trong các hợp tác xã, công ty dịch vụ công ích.
Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TNMT TP.HCM) cho biết, mỗi ngày TP.HCM phát sinh trên 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, hơn 300 tấn chất thải nguy hại, khoảng 16 tấn chất thải y tế... Tất cả đều được thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn TP.HCM được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi – huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước - huyện Bình Chánh. Trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 42 đơn vị tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại; 10 đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại.
Tuy nhiên, chính Sở TNMT TP.HCM cũng thừa nhận, tuy tỉ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn của Thành phố vẫn đảm bảo nhưng việc quản lý các đường dây rác trong một thời gian rất dài mang tính tự phát, được hiểu ngầm thuộc quyền sở hữu của các chủ đường rác nên việc tham gia điều hành quản lý của chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng tranh giành giữa các chủ đường dây rác vẫn thường xuyên xảy ra.
Theo kết quả khảo sát định lượng của Sở TNMT, khoảng 42% ý kiến cho rằng thường xuyên xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa những người thu gom rác. Điều đáng lưu ý nữa là không chỉ tranh chấp giữa lực lượng dân lập với nhau mà cả đối với công nhân của các công ty dịch vụ công ích quận/huyện.
Theo ý kiến phản ánh của người thu gom rác cả ở trong và ngoài hợp tác xã, nhiều nguồn thải của người thu gom rác bị công nhân của công ty dịch vụ công ích lấy bằng việc cạnh tranh không bình đẳng (công ty dịch vụ công ích thu phí thấp hơn do được cân đối từ nhiều nguồn thu khác), nhất là các nguồn thải lớn như trường học, xí nghiệp… Một chủ đường rác tại địa bàn Gò Vấp chia sẻ, sự ngấm ngầm phân chia thu gom, vận chuyển các đường rác rất khốc liệt và thiếu cạnh tranh do rất nhiều quận/huyện chưa quan tâm đến công tác tổ chức đấu thầu tìm nhà thầu cung cấp dịch vụ. “Nguồn thu phí từ chất thải rắn sinh hoạt rất đều đặn và thường có điều chỉnh tăng, có trợ giá của ngân sách nên rất cần được tiến hành đấu thầu để lựa chọn được nhà cung cấp tốt. Đó cũng là dịp để các công ty dịch vụ công ích thực sự phải cạnh tranh với các hợp tác xã, tổ hợp dân lập”, đại diện UBND quận 12 cho biết.
Đấu thầu giúp tiết kiệm 15%/năm cho ngân sách
Sở TNMT TP.HCM cho biết, kể từ khi chuyển nhiệm vụ quản lý môi trường, trong đó có quản lý chất thải rắn (gồm chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại) từ Sở Giao thông công chính về Sở TNMT, công tác quản lý chất thải rắn đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.
Báo cáo của Sở TNMT TP.HCM cho biết, tỷ lệ thu gom, xử lý chung đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường đạt 100%, chất thải rắn nguy hại đạt gần 100% (còn khoảng 10-15% chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ được thu gom xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn đã được phân cấp dần cho các quận/huyện.
Đặc biệt, từ năm 2008, Thành phố đã triển khai thí điểm đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại 2 quận Tân Phú và Bình Tân, kết quả là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị trúng thầu thực hiện với quận Bình Tân với giá trị hợp đồng ký kết là 33 tỷ đồng cho 3 năm, còn quận Tân Phú giá trị hợp đồng là 147 tỷ đồng cho 3 năm (từ 2011 đến 2014). Tại 2 quận Tân Phú và Bình Tân, việc tổ chức đấu thầu đã giúp tiết kiệm cho ngân sách thành phố khoảng 15%/năm.
Khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, nhiều ý kiến của người dân trên địa bàn hai quận Bình Tân và Tân Phú đều cho rằng, sau khi tổ chức đấu thầu, dịch vụ thu gom, vận chuyển rác của địa phương được tăng lên rất nhiều so với trước đây. “Nhà thầu trúng thầu đầu tư hệ thống xe gom hiện đại nên không có tình trạng lúc vận chuyển rác rơi vãi. Thời gian thu gom rác được đảm bảo. Đội ngũ nhân viên thu gom rác có thái độ chuẩn mực. Đó là điều mà người dân cần khi đã đóng phí hàng tháng”, một số người dân trên đường Tân Kỳ Tân Qúy (quận Bình Tân) chia sẻ.
Theo khẳng định của lãnh đạo Sở TNMT TP.HCM, hiện nay, Sở đang gấp rút xây dựng quy chế đấu thầu, quy chế đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng. Sau khi quy chế được ban hành, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ này sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và phổ biến hơn.
- Ông Nguyễn Văn Phước Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM
Chương trình đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt sẽ giúp cho công tác thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn được thực hiện thuận lợi và hiệu quả. Vì hệ thống thu gom tại nguồn được đồng bộ và do một đơn vị thực hiện nên công tác quản lý, giám sát và phân vùng thời gian thu gom (đối với từng loại chất thải) được thực hiện tốt.