Đấu thầu thuốc kiểu gì lợi nhất?

Riêng hay tập trung đều khó tránh tiêu cực. Khi thuốc quá rẻ trúng thầu ở đấu thầu tập trung thì quy mô sẽ lớn hơn đấu thầu riêng lẻ và bệnh viện không còn lựa chọn...
Bà Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

"Dù tập trung hay riêng lẻ thì vẫn có tiêu cực. Để chống hiện tượng tiêu cực này cần xây dựng danh mục thuốc rõ ràng, tăng cường vai trò và trách nhiệm của Hội đồng thuốc và điều trị, sử dụng các phác đồ điều trị chuẩn"

Bà Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định như vậy khi trả lời Tuổi Trẻ về hình thức đấu thầu nào đem lại lợi ích nhất cho dân và hạn chế tối đa tiêu cực.

Theo bà Phong Lan, từ năm 2013 Sở Y tế TP.HCM bắt đầu thực hiện đấu thầu tập trung thuốc và trang thiết bị y tế theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Đơn vị đứng ra tổ chức đấu thầu là Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công thuộc sở.

Tuy nhiên, sau ba năm đấu thầu trang thiết bị không đạt yêu cầu vì sau mấy năm các bệnh viện không mua được gì. Riêng đấu thầu thuốc làm được hai lần và kết quả thầu sử dụng cho năm 2014 và 2015.

Kết quả trúng thầu thuốc tuy đỡ hơn trang thiết bị nhưng chưa đạt được mục tiêu đấu thầu: không kịp thời, kéo dài thời gian cả trong tiến hành đấu thầu lẫn trong đặt hàng mua thuốc. Dù có kết quả thầu nhưng trong năm các bệnh viện vẫn phải liên tục họp, vất vả chỉnh sửa danh mục thuốc, số lượng thuốc và các thủ tục khác.

Việc cung ứng thuốc cũng gặp nhiều rào cản về thủ tục, chưa thống nhất. Có nhiều thời điểm các bệnh viện thiếu thuốc. Ngoài ra còn một số mặt hàng thuốc không có kết quả trúng thầu vì không có công ty tham gia thầu.

Về giá thuốc, khi đấu thầu tập trung chưa chứng minh được thuốc nào giá tốt hơn, chưa có các phân tích đánh giá so sánh cụ thể. Còn con số báo cáo 1.400 tỉ đồng không phải là số tiền giảm được do giá thuốc rẻ hơn khi đấu thầu tập trung mà chỉ là số tiền chênh lệch giữa giá lập kế hoạch và giá trúng thầu.

Về cơ chế giám sát, đấu thầu ở bệnh viện có Sở Y tế giám sát, còn đấu thầu tập trung của Sở Y tế không ai giám sát, trong khi giám đốc sở kiêm nhiệm giám đốc trung tâm mua sắm.

Đáng lưu ý, do các bất cập trong quy định, khi thuốc quá rẻ trúng thầu ở đấu thầu tập trung thì quy mô sẽ lớn hơn đấu thầu riêng lẻ và bệnh viện không còn lựa chọn khác, dẫn đến tình trạng một số bác sĩ từ chối chỉ định thuốc BHYT, người bệnh phải tự trả tiền mua thuốc ngoài danh mục.

Chưa kể có những thuốc chưa có số đăng ký, thuốc giả mà vẫn trúng thầu và chỉ vỡ lở khi Bộ Công an vào cuộc (vụ Công ty dược phẩm VN Pharma) thì tác hại còn lớn hơn.

* Thưa bà, tại sao bệnh viện tư không đấu thầu nhưng thuốc lại rẻ hơn thuốc đã được Sở Y tế đấu thầu tập trung?

- Bệnh viện tư nhân được tự do mua thuốc linh động theo thị trường, bằng tiền của họ, không phải lo các thủ tục đấu thầu. Hiện nay, thị trường dược phẩm rất phong phú, tại sao cứ phải mặc định mua thuốc bằng đấu thầu và đấu thầu tập trung? Việc lợi dụng các quy định đấu thầu có thể phát sinh tiêu cực, khiến một số mặt hàng giá cao hơn vẫn trúng thầu một cách hợp pháp.

* Vì sao gần ba năm nay nhưng việc đấu thầu trang thiết bị vẫn giậm chân tại chỗ khiến các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động do thiếu trang thiết bị?

- Đến nay đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao chưa có đủ căn cứ pháp lý, cơ sở để xây dựng cấu hình chung, hồ sơ mời thầu. Đặc biệt trang thiết bị mang tính đặc thù chuyên biệt rất lớn, ngay cả trước đây khi bệnh viện - là người sử dụng trực tiếp - tự tiến hành cũng còn khó khăn, huống chi tập trung lại để Trung tâm mua sắm - không phải đơn vị sử dụng - tiến hành.

Dù sở có tập hợp các chuyên gia từ các bệnh viện nhưng không thể xây dựng một tiêu chí chung cho tất cả. Chưa kể nhân lực, khả năng của Trung tâm mua sắm quá hạn chế nhưng lại ôm đồm, cơ chế hoạt động không rõ...

Cũng phải lưu ý việc kiểm soát tiêu cực khi vẫn có dư luận về các công ty trang thiết bị sân sau của các “sếp” tác động vào việc đấu thầu bằng nhiều cách. Nguyên lý chung là “lobby” người không biết và không dùng sản phẩm vẫn dễ hơn đối với người trực tiếp sử dụng và biết rõ.

Tôi cho rằng ba năm trôi qua chứ mười năm vẫn thế thôi, làm sao trang thiết bị lại đi đấu thầu tập trung được. Đến nay Bộ Y tế vẫn còn loay hoay mãi, vẫn chưa tham mưu được nghị định về đấu thầu trang thiết bị.

* Theo bà, nên tổ chức đấu thầu thuốc, trang thiết bị theo hình thức nào là tốt nhất?

- Đối với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao nên đấu thầu riêng theo từng bệnh viện cho kịp thời và cụ thể. Có thể cử chuyên gia từ Sở Y tế tham gia tư vấn về thủ tục, giám sát quá trình đấu thầu.

Đối với thuốc, trước mắt nên đấu thầu tập trung một số nhóm thuốc như biệt dược gốc (thường giá cao, còn bản quyền, đấu thầu tập trung nhóm này sẽ tiết kiệm chi phí về hồ sơ thầu, không bị các nguy cơ về giảm mặt hàng trúng thầu như đối với thuốc generic, giá cả cũng sẽ lợi hơn vì mua số lượng lớn theo yêu cầu các bệnh viện).

Còn lại nên để các bệnh viện phát huy quyền tự chủ, tự mua và tự chịu trách nhiệm. Không nên chỉ chọn một hình thức đấu thầu. Có thể nghiên cứu đấu thầu tập trung các bệnh viện chuyên ngành để áp dụng danh mục cho các bệnh viện khác.

Ngoài ra cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý về đấu thầu mới giải quyết được vấn đề lựa chọn thuốc sao cho hài hòa giữa chất lượng và giá cả.

* Nhiều người nói dù đấu thầu riêng hay tập trung vẫn khó tránh được tiêu cực, lợi ích nhóm. Sở Y tế có biện pháp gì để giám sát việc “đi đêm” khi đấu thầu?

- Dù tập trung hay riêng lẻ thì vẫn có tiêu cực. Đối tượng có thể “đi đêm” không chỉ với các bác sĩ, bệnh viện mà còn đi đêm với bên mời thầu, từ các “sếp” đến chuyên viên.

Để chống hiện tượng tiêu cực này cần xây dựng danh mục thuốc rõ ràng, tăng cường vai trò và trách nhiệm của Hội đồng thuốc và điều trị, sử dụng các phác đồ điều trị chuẩn.

Kiểm soát việc xây dựng giá kế hoạch, giá kế hoạch phù hợp sẽ không có giá trúng thầu quá chênh lệch. Kiểm soát thủ tục quy trình đấu thầu bằng cách tập huấn, công khai minh bạch thông tin, tăng cường công nghệ thông tin...

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người thực hiện, nhất là người đứng đầu, phải xác định lập trường đứng về lợi ích người bệnh, làm sao để có thuốc chất lượng, giá tốt đến được người bệnh, giữ được ý nghĩa tốt đẹp của BHYT.

Tin cùng chuyên mục