Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: Thế khó của các địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đang được Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương hy vọng Bộ Y tế sớm nhận diện và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Các cơ sở y tế tại Bắc Ninh phản ánh, hiện còn thiếu 119/152 danh mục thuốc thuộc Danh mục đàm phán giá. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Các cơ sở y tế tại Bắc Ninh phản ánh, hiện còn thiếu 119/152 danh mục thuốc thuộc Danh mục đàm phán giá. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tháng 8/2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia phải ra quyết định huỷ thầu đối với một số thuốc đấu thầu tập trung (ĐTTT) cấp quốc gia trong suốt 2 năm liền (năm 2022, 2023) vì không có nhà thầu tham dự và giao cho các địa phương tự thực hiện mua sắm (Amlodipin; Amoxicilin + Acid Clavulanic; Omeprazol...).

Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, việc một số mặt hàng đàm phán giá và ĐTTT cấp quốc gia không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu đã ảnh hưởng tới cơ sở y tế, dẫn đến thiếu thuốc cục bộ, ngắn hạn tại một số đơn vị để sử dụng cho người bệnh. Trên thực tế, tại Hải Dương, có một số trường hợp nhà thầu không cung ứng được thuốc theo kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT).

Các cơ sở y tế tại Bắc Ninh phản ánh, hiện còn thiếu 119/152 danh mục thuốc thuộc Danh mục đàm phán giá. Đồng thời, 26/90 danh mục thuốc thuộc Danh mục ĐTTT cấp quốc gia đã dự trù (tổng giá trị 110 tỷ đồng) chưa có kết quả LCNT.

Đối với ĐTTT cấp địa phương, tại Hải Dương, số lượng nhà thầu tham dự không nhiều, một số mặt hàng thuốc thiết yếu không có nhà cung ứng (NaCl 0,9%; Phenobarbital 10mg), hoặc nhà thầu không cung ứng được thuốc theo kết quả LCNT (Albumin, Globulin, Immunoglobulin, NaCl 0,9%...).

Theo kết quả ĐTTT tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh năm 2023 (đợt 1), còn 482 danh mục thuốc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Đặc biệt, Gói thầu Vị thuốc cổ truyền và Gói thầu Thuốc methadone đã được tổ chức mời thầu 2 lần vào năm 2022 và 2 lần vào năm 2023, nhưng đều không có kết quả LCNT. Trong năm 2022 - 2023, một số nhà thầu không cung ứng hoặc gián đoạn cung ứng. Một số thuốc trúng thầu bị tạm dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) do thành phần của thuốc được cấp số đăng ký không thống nhất với thành phần thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BYT.

Tại nhiều địa phương, các gói thầu dược liệu và vị thuốc cổ truyền gần như không triển khai được.

Về TBYT, theo phản ánh của nhiều địa phương, các cơ sở y tế đang gặp khó khăn trong việc tham khảo giá để xây dựng giá gói thầu. Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, một số mặt hàng gần như không có công ty nào chào giá, hoặc không thể tìm được thông tin trúng thầu của các địa phương khác nên không có thông tin để làm căn cứ xây dựng giá gói thầu.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, là do chưa thống nhất khi triển khai bổ sung, ban hành Danh mục thuốc ĐTTT cấp địa phương. Ngoài ra, bên mời thầu còn gặp khó khăn trong việc đánh giá tình hình tài chính của nhà thầu bởi quy định bất nhất trong Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chưa ban hành danh mục TBYT phải kê khai giá theo quy định tại Nghị định số 07/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 98/2021/NĐ-CP). Các cơ sở y tế cũng rất khó tiếp cận giá niêm yết. Thông tin do các chủ đầu tư/bên mời thầu tự đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không thống nhất, không đầy đủ, khiến chủ đầu tư/bên mời thầu/Hội đồng khoa học không biết xác định hàng hóa, dịch vụ nào là tương tự với gói thầu dự kiến mua sắm.

Một số Sở Y tế phản ánh, Thông tư số 06/2023/TT-BYT có thay đổi về các nhóm tiêu chí kỹ thuật nhưng chưa có hướng dẫn về chuyển giá tham khảo khi xây dựng giá kế hoạch, nên chưa đủ căn cứ để xây dựng kế hoạch LCNT. Việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho vị thuốc cổ truyền theo Thông tư số 38/2021/TT-BYT cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Trong khi đó, hiện không có nhiều vị thuốc cổ truyền được cấp giấy đăng ký lưu hành để tham dự đấu thầu thuốc...

Để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trên cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, Sở Y tế Bắc Ninh cho rằng, Bộ Y tế cần sớm triển khai các trung tâm dự trữ thuốc quốc gia/khu vực nhằm bảo đảm nguồn cung thuốc, vắc xin hiếm, độc quyền và hạn chế nguồn cung; ban hành hướng dẫn hoạt động của Hội đồng khoa học kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh; hướng dẫn đăng tải thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật; thống nhất danh mục TBYT chuyên dùng, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm…

Sở Y tế Hải Dương khuyến nghị Bộ Y tế tăng số lượng, bổ sung một số thuốc vào danh mục đàm phán giá, ĐTTT quốc gia như: thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất và một số dung dịch điều chỉnh nước, điện giải, cân bằng acid-base, dung dịch tiêm truyền; tổ chức đàm phán giá quốc gia đối với các hóa chất đóng theo máy (chỉ có 1 hãng sản xuất).

Cán bộ tại một cơ sở y tế ở Hậu Giang thì mong rằng, cần giảm thời gian cấp đăng ký lưu hành thuốc, đặc biệt là thuốc cổ truyền để gỡ khó cho gói thầu dược liệu.

Tin cùng chuyên mục