Đấu thầu xây lắp hệ thống điện chiếu sáng tại Pleiku (Gia Lai): Gói thầu đơn giản, tiêu chí phức tạp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Cải tạo hệ thống lưới điện, bóng điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận phản ánh về một số tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, vừa làm phát sinh chi phí, vừa phức tạp hóa thủ tục dự thầu.
Gói thầu thuộc Dự án Cải tạo hệ thống lưới điện, bóng điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Pleiku đã ghi nhận phản ánh về một số tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật chưa phù hợp...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu thuộc Dự án Cải tạo hệ thống lưới điện, bóng điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Pleiku đã ghi nhận phản ánh về một số tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật chưa phù hợp...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 10,758 tỷ đồng do Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu; Công ty TNHH Phương Anh Thịnh tư vấn lập HSMT. HSMT được phát hành từ ngày 11/12, dự kiến mở thầu ngày 21/12/2023.

Ngày 12/12, phản ánh đến Bên mời thầu, một nhà thầu cho rằng, HSMT có nhiều tiêu chí đánh giá đã được xác định là hành vi hạn chế cạnh tranh quy định tại Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT. Theo đó, tại tiêu chí đánh giá về kỹ thuật (đạt/không đạt), HSMT yêu cầu “nhà thầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương cho phép đổ thải hoặc có hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý, vận chuyển phế thải về nơi quy định (kèm tài liệu chứng minh được phép đổ thải)”. Theo Nhà thầu, để xin xác nhận của chính quyền địa phương cho phép đổ thải, phải trải qua giai đoạn cơ quan chức năng thẩm định, kiểm tra hồ sơ xin cấp phép. Do đó, việc xin xác nhận vị trí đổ thải trong giai đoạn mời thầu là bất khả thi, bởi thời gian cơ quan có thẩm quyền trả hồ sơ thường vượt quá thời gian lập hồ sơ dự thầu. Nếu nhà thầu phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý thải, thì trường hợp này vừa tạo cơ chế xin - cho, vừa phát sinh chi phí cho nhà thầu, tiềm ẩn sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu trong và ngoài địa phương.

Ngày 16/12/2023, một nhà thầu khác cũng có văn bản đề nghị Bên mời thầu xem xét lược bỏ yêu cầu bất cập tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, trong đó có nội dung “yêu cầu các đơn vị tham dự thầu phải tự thực hiện khảo sát hiện trường, có thông tin cụ thể để tránh phát sinh khối lượng trong quá trình thực hiện và đưa ra biện pháp tối ưu, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị tại khu vực thi công và chậm tiến độ thực hiện dự án. Các tài liệu khảo sát này là một phần của hồ sơ dự thầu, áp dụng phương pháp đánh giá đạt/không đạt”.

Theo Nhà thầu, đối với hệ thống điện chiếu sáng đang hoạt động, khi chưa có quyết định trúng thầu thì không có cơ sở pháp lý để liên hệ với đơn vị quản lý điện lực tại địa phương để tiến hành khảo sát, đánh giá, tổng hợp số liệu. Do đó, yêu cầu này là làm khó nhà thầu. Mặt khác, dạng yêu cầu này đã được xác định là một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh trong gói thầu xây lắp theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.

Tương tự, với yêu cầu “nhà thầu đề xuất danh sách công nhân có kèm theo bằng cấp, chứng chỉ, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực, tài liệu chứng minh khả năng huy động”, Nhà thầu chỉ ra rằng, đây là hành vi đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là hạn chế cạnh tranh.

Các nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu xem xét, điều chỉnh các tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật trong HSMT bảo đảm tuân thủ đúng quy định, tránh làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Phúc đáp nhà thầu, Bên mời thầu cho biết sẽ chấp nhận phương án nhà thầu đưa ra được cam kết liên hệ với điện lực địa phương về việc khảo sát hiện trường (nếu được mời thương thảo hợp đồng); cam kết về xác nhận bãi đổ thải; đồng thời có cam kết huy động đủ lao động có trình độ tay nghề phù hợp để thi công đáp ứng tiến độ, thì được đánh giá đạt ở các nội dung này.

Mở rộng khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, không chỉ tại gói thầu đang xét, các dạng yêu cầu về khảo sát hiện trường cũng thường xuyên được bên mời thầu này áp dụng, đơn cử Gói thầu Xây lắp kiến thiết thị chính TP. Pleiku năm 2023; Gói thầu Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Duẩn (đoạn Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai)... Các gói thầu này thường chỉ thu hút một nhà thầu tham dự và trúng thầu.

Trong khi đó, theo một chuyên gia về đấu thầu, Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông 08/2022/TT-BKHĐT đã quy định rất rõ HSMT gói thầu xây lắp không được yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường; yêu cầu về cam kết về bãi đổ thải... “Những quy định cụ thể về hạn chế nhà thầu được liệt kê tại Thông 08/2022/TT-BKHĐT là bảng tham chiếu để các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn khi lập HSMT lưu ý, không đưa ra các yêu cầu thiếu minh bạch, kém cạnh tranh trong HSMT”, vị chuyên gia bình luận.

Tin cùng chuyên mục