Để có giá đất sát giá thị trường

(BĐT) - Phải có nghị quyết của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo theo đúng quy hoạch. Thu hồi những dự án có khả năng thực hiện đấu thầu công khai đảm bảo sự cạnh tranh trong việc xác định giá sử dụng đất và quyền sử dụng đất trong phát triển đô thị.
Vẫn còn tình trạng áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hình thức trong lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên
Vẫn còn tình trạng áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hình thức trong lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng như nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Có lợi ích nhóm chi phối xác định giá đất?

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên thảo luận cho thấy, qua giám sát ở 12 địa phương, khảo sát 40 dự án đô thị, có tình trạng không thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, mà chỉ định nhà đầu tư. Công tác xác định giá đất cụ thể còn vướng mắc về phương pháp xác định giá đất, chưa sát với thị trường, gây thất thoát ngân sách nhà nước, dẫn đến nhiều khiếu nại, khiếu kiện.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội cũng thể hiện nhiều quan ngại về công tác xác định giá đất, đánh giá đây là vấn đề cốt lõi gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Phương pháp tính và xác định giá đất còn nhiều bất cập, không phù hợp với giá đất trên thị trường, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất, gây khiếu kiện đông người, phức tạp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận), theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai, nguyên tắc, phương pháp định giá đất phải phù hợp với giá thị trường, nhưng các căn cứ làm cơ sở xác định giá thị trường theo quy định rất khó thực hiện. Thực tế, nhiều địa phương không có sàn giao dịch bất động sản, không có cơ sở dữ liệu về giá đất. Trong khi đó, xác định giá đất dựa vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì tính khách quan, trung thực không được đảm bảo, vì các bên thường ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng theo bảng giá đất của Nhà nước để tiền thuế phải nộp ít hơn. Vì vậy, giá chuyển nhượng thực tế cao hơn nhiều giá trong hợp đồng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng cho rằng, giá đất, định giá đất là khâu cơ bản để xây dựng hệ thống tài chính về đất đai lành mạnh. Tuy nhiên, giám sát cho thấy nguồn thu từ đất đai bị thất thoát, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và có nhiều điểm bất hợp lý. Ngoài nguyên nhân do phương pháp xác định giá đất dẫn đến giá đất chưa sát với giá thị trường, còn có nguyên nhân việc thẩm định giá đất của hội đồng thẩm định giá đất do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập khó có thể bảo đảm tính khách quan.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chỉ ra thực tế việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật. Cử tri hoài nghi là có lợi ích nhóm, sân trước, sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, lợi dụng cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo… 

Tăng cường đấu thầu dự án sử dụng đất

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Đồng thời, cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất phù hợp với thị trường, đảm bảo lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách nhà nước. “Đây là vấn đề rất khó, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng không thể không làm… Không xác định được giá đất thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận định.

Trong Báo cáo giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Nghiên cứu hình thành cơ quan tham mưu xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất là hai cơ quan độc lập, mở rộng thành phần thẩm định giá đất theo hướng có sự tham gia của đại diện hội đồng nhân dân các cấp.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cả hai hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật Đấu thầu và đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai đều cần thiết để đảm bảo minh bạch, công khai khi giao đất, cho thuê đất, bảo đảm lợi ích của người dân, của Nhà nước. Các đại biểu kiến nghị cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm thống nhất giữa các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch...

Tin cùng chuyên mục