Ưu tiên sử dụng hàng Việt sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất |
Thành tựu khi đưa hàng Việt vào đấu thầu
Theo đánh giá tại Hội nghị sơ kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp trong nước, mà còn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Người Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa trong nước.
Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước là một chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt.
Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây ghi nhận, việc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg đã đem lại những tác động tích cực đối với công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Chỉ thị này đã tạo thêm động lực quan trọng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh. Việc sử dụng hàng hóa trong nước cũng góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động. Đáng lưu ý, việc thực hiện Chỉ thị đã từng bước làm thay đổi nhận thức, giúp các chủ đầu tư, bên mời thầu thấy rõ ý nghĩa của việc sử dụng hàng hóa trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II cho biết: “Là một đơn vị tư vấn xây dựng, chúng tôi luôn ưu tiên khai thác tối đa hàng hóa trong nước sản xuất được”. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng: “Đôi khi hàng hóa trong nước chất lượng không bằng hàng nhập, thời gian sử dụng ngắn hơn…, nên tùy từng sản phẩm mà dùng hàng trong nước hay nước ngoài”.
Khó khăn còn đó!
Ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc dẫn tới việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu còn hạn chế.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trần Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Minh Long chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chia sẻ, để tham gia lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa ít khi có cơ hội.
Còn ông Nguyễn Trọng Nam, Giám đốc Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương thì cho rằng: “Các chủ đầu tư, tổng thầu và tư vấn thiết kế của các dự án chưa thực sự mở lòng với các sản phẩm trong nước. Họ vẫn nghĩ rằng sản phẩm trong nước chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và muốn lựa chọn các thương hiệu nước ngoài đưa vào thiết kế để tránh rủi ro”.
Đại diện một ban quản lý dự án chuyên mua sắm vật tư, hàng hóa cho các công trình/dự án giao thông lớn thừa nhận, một số máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước chưa cạnh tranh được về chất lượng với sản phẩm cùng loại được nhập từ nước ngoài. Do đó, dẫn tới chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành sử dụng tăng. Một số sản phẩm còn bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, có không ít nhà sản xuất trong nước chỉ gia công được những bộ phận đơn giản, còn lại phải nhập khẩu về để lắp ráp. Những loại máy móc này có giá cạnh tranh, nhưng tính đồng bộ không cao.
Để tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước trong các dự án đầu tư công, ông Cận kiến nghị: “Tới đây, trong các HSMT nếu có những nội dung liên quan đến thiết bị, vật tư… thì các chủ đầu tư/bên mời thầu hay tư vấn phải ưu tiên dùng hàng trong nước. Nếu vi phạm thì phải xử lý mới ưu đãi được hàng trong nước”.
Đại diện Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, Nhà nước cần mạnh dạn, ưu tiên giao các dự án EPC cho những doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm, thực hiện nhằm sử dụng nguồn nhân lực, vật tư hàng hóa sẵn có trong nước. Nên tránh việc giao cho các doanh nghiệp nước ngoài, sau đó họ thuê lại chính các doanh nghiệp của Việt Nam.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương
“Hiện nay, quá trình phát triển ngành nghề, các chính sách kinh tế chưa thực hiện quyết liệt các cam kết thương mại hóa, chưa bắt buộc được các doanh nghiệp phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Chúng tôi thực sự đã có những học hỏi từ những quy định của Luật Đấu thầu về ưu tiên hàng trong nước khi soạn thảo chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khi triển khai đấu thầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu cần quán triệt tinh thần người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt”.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ điện Bình Dương
“Các doanh nghiệp cơ điện khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng rất mừng khi Luật Đấu thầu 2013 đi vào hiệu lực. Lẽ ra, Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã và sẽ tạo ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Việt. Vậy mà cách tổ chức đấu thầu rất tùy tiện của một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã khiến cho Luật và Nghị định không phát huy được tác dụng. Chúng tôi mong muốn các chủ đầu tư hãy thực hiện đúng tinh thần của Luật Đấu thầu. Nếu cần thiết, phải có chế tài mạnh để loại bỏ, thay thế những chủ đầu tư bạc bẽo, quay lưng với hàng Việt”.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
“Chúng tôi nhận thấy nhiều bức xúc của các nhà thầu Việt vì bị “phân biệt đối xử” khi tham gia đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách. Nếu các chủ đầu tư không chấn chỉnh tình trạng chuộng hàng ngoại, ưu tiên hàng ngoại trong gói thầu dùng ngân sách nhà nước thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy vô cùng lớn. Luật Đấu thầu đã có quy định và các văn bản dưới luật đã hướng dẫn đầy đủ. Quan trọng nhất là cần những chủ đầu tư bám sát tinh thần này khi tổ chức đấu thầu”.
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải
“Đối với các nước khác, tỷ lệ nội địa hóa đều cao và phải được xác định trong toàn bộ giá trị của dự án/gói thầu, chứ không yêu cầu một cách chung chung. Về chính sách đấu thầu của Việt Nam, tôi đánh giá có nhiều cải tiến rõ rệt trong thời gian qua. Việc bổ sung những nội dung đột phá nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển là một cú hích quan trọng. Có thể nói, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, để chính sách đấu thầu dần phát huy ý nghĩa, cần quán triệt hơn nữa tinh thần ưu tiên dùng hàng Việt đến từng chủ đầu tư”.