Để dữ liệu trở thành tài sản chiến lược của ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung song chưa định hình rõ nét việc coi dữ liệu là “tài sản chiến lược”. Điều này cần được cải thiện bằng một hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ về quản lý dữ liệu toàn nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy ngân hàng mở trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung. Ảnh: Internet
50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung. Ảnh: Internet

Đó là nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” (iDMBF 2020) do Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 29/9.

Theo khảo sát tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh chia sẻ: “Có thể nhận thấy với vai trò dữ liệu quan trọng như vậy, trong thời đại ngày nay, ưu thế sẽ thuộc về người làm chủ các nguồn dữ liệu thông qua việc quản lý, sử dụng chúng một cách thông minh trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới”.

Theo Phó Thống đốc, để có thể phát huy được lợi thế của mình trong việc sở hữu khối lượng lớn về dữ liệu, giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực Ngân hàng - Tài chính đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các công ty công nghệ lớn (Bigtech).

Tại Việt Nam, một số NHTM bắt đầu chú ý tới việc quản trị dữ liệu từ trước năm 2010. Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn PwC Việt Nam vào cuối năm 2019 với 33 đại diện lãnh đạo NHTM tại Việt Nam, 88% câu trả lời đồng ý rằng quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích nâng cao.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện nay, nhìn chung phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng hiểu giá trị của dữ liệu song chưa định hình rõ nét việc coi dữ liệu là “tài sản chiến lược” dẫn đến chưa hình thành được văn hóa sử dụng dữ liệu trong hoạt động kinh doanh.

Khảo sát của PwC năm 2019 cũng cho thấy, chưa đến một nửa số NHTM có chính sách và quy trình quản lý dữ liệu toàn hàng hay quy định vai trò của các bên có liên quan đến dữ liệu. Hơn 66% trong số 33 lãnh đạo của các NHTM cho biết quy định các tiêu chí đánh giá để đo lường chất lượng dữ liệu chưa được vận hành. Chỉ 18% NHTM đã xây dựng kiến trúc công nghệ (nền tảng, công cụ…) để hỗ trợ quản lý dữ liệu toàn hàng.

Lý giải về việc các ngân hàng chưa thật sự chú trọng việc quản trị dữ liệu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết, một trong những lý do chính là môi trường pháp lý thay đổi tương đối nhanh như yêu cầu về bảo mật thông tin khách hàng; quy định về các dịch vụ mới như eKYC, P2P; phát triển tiền kỹ thuật số…

Trong khi đó, quy mô và chất lượng dữ liệu chưa đủ lớn/tốt; đội ngũ lãnh đạo am hiểu về dữ liệu và nghệ thuật kinh doanh; thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng quyết định, hoạt động trên cơ sở thông tin, dữ liệu cũng là những thách thức trong khai thác dữ liệu.

Cũng từ góc độ pháp lý, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét trình ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu người dùng, luật về bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ về quản lý dữ liệu toàn nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy ngân hàng mở trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

NHNN cũng cần nghiên cứu, đề ra định hướng ngân hàng mở, xác định mô hình ngân hàng mở phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, trên cơ sở đó ban hành những quy định, hướng dẫn hoặc đưa ra khuyến nghị thích hợp.

Trong khi đó, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có dữ liệu nhiều nhất và nguồn nhân lực khá dồi dào. Để phát triển dữ liệu ngành này cần xây dựng chiến lược dữ liệu ngành Ngân hàng; mở dữ liệu ngành Ngân hàng; cung cấp dịch vụ dữ liệu; kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia; kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu quản lý chất lượng dữ liệu.

Tin cùng chuyên mục