Để thương thảo hợp đồng không đi vào ngõ cụt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu là thương thảo hợp đồng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi không ít địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh này, các chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) và nhà thầu cần linh hoạt, áp dụng công nghệ để bảo đảm công tác lựa chọn nhà thầu được thông suốt, minh bạch.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ban Quản lý Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đang triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ sử dụng nguồn vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Ban đã phải xử lý tình huống phát sinh liên quan đến việc thương thảo hợp đồng trong thời gian giãn cách xã hội.

Cụ thể, Ban đang lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị cho một công trình xây dựng đã hoàn thành phần thô, chuẩn bị hoàn thiện để đưa vào sử dụng. BMT đã mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào thương thảo hợp đồng. Do giãn cách xã hội và khó khăn trong việc di chuyển nên Nhà thầu đề nghị dời thời gian thương thảo đến sau khi giãn cách. Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19, Ban Quản lý Dự án đã tiến hành mời thương thảo lần hai thông qua hình thức trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà thầu. Tuy nhiên, Nhà thầu lại lấy lý do khó khăn trong việc bố trí phương tiện phục vụ cuộc họp để từ chối tham dự và tiếp tục đề nghị thương thảo sau giãn cách.

Trước tình huống trên, BMT đang rất lo lắng bởi với diễn biến phức tạp của dịch, việc kéo dài thời gian thương thảo sẽ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch thực hiện cũng như tiến độ giải ngân của Dự án.

Một CĐT tại Quảng Ngãi cho biết, đang tiến hành tổ chức đấu thầu 1 gói thầu mua sắm hàng hóa qua mạng. Có 7 nhà thầu tham dự Gói thầu, có 2 nhà thầu tại TP. Đà Nẵng đáp ứng yêu cầu. CĐT đã gửi thông báo mời nhà thầu đến thương thảo hợp đồng, nhưng nhà thầu có văn bản trả lời “thời gian này đang có dịch bệnh, bị cách ly nên không thể đến tham gia thương thảo”.

Tại một gói thầu của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (trụ sở tại tỉnh Bình Dương), nhà thầu đã đề xuất thương thảo hợp đồng trực tuyến, trường hợp cả 2 bên thống nhất nội dung dự thảo, sẽ in hợp đồng để ký và chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, BMT không chấp nhận, yêu cầu Nhà thầu cử cán bộ trực tiếp đến thương thảo, nếu chậm trễ sẽ quyết định tịch thu toàn bộ bảo lãnh dự thầu.

Trên đây là một số ví dụ điển hình cho việc bất hợp tác trước các đề xuất thương thảo hợp đồng gói thầu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Đối với Ban Quản lý Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ, trường hợp nhà thầu không đến thương thảo trực tiếp do dịch Covid-19 và từ chối thương thảo trực tuyến thì BMT báo cáo CĐT xem xét, mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo, đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trong trường hợp này, nhà thầu đã tự đánh mất quyền của nhà thầu xếp thứ nhất khi từ chối thương thảo hợp đồng trực tuyến.

Trường hợp tại Công ty Cao su Dầu Tiếng, việc yêu cầu nhà thầu đến thương thảo tực tiếp, nếu chậm trễ sẽ tịch thu bảo lãnh dự thầu là quá cứng nhắc, không xem xét đến bối cảnh phức tạp của dịch bệnh. Đây không phải là trường hợp cá biệt, nhiều CĐT/BMT vẫn bắt buộc nhà thầu phải có mặt trực tiếp để làm rõ, thương thảo hợp đồng. Từ đó dẫn tới quá trình lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, thậm chí phải hủy thầu.

Theo quy định, một trong những trường hợp bảo đảm dự thầu không được hoàn trả là không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của BMT hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Một cán bộ thuộc Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thương thảo trực tuyến sẽ hỗ trợ hiệu quả cho CĐT trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, cần tận dụng công nghệ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh quá trình lựa chọn nhà thầu, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư công…

Tin cùng chuyên mục